Do BBC và Mindhouse Productions đồng sản xuất, loạt phim về tàu con thoi sẽ ra mắt với hai tập đầu vào ngày 7.4 lúc 9 giờ tối theo giờ Thái Bình Dương trên kênh CNN. Hai tập cuối sẽ phát sóng vào ngày 14.4 cũng vào lúc 9 giờ tối theo giờ Thái Bình Dương.
Space Shuttle Columbia: The Final Flight (tạm dịch Tàu con thoi Columbia: Chuyến bay cuối cùng) phát trực tiếp cho các thuê bao truyền hình trả phí qua CNN.com, các ứng dụng di động và TV được kết nối CNN.
Columbia là tàu con thoi đầu tiên được phóng và định nghĩa lại việc du hành vũ trụ: cất cánh như tên lửa, hạ cánh như máy bay và có thể tái sử dụng. Xuyên suốt 4 tập, câu chuyện về sứ mệnh cuối cùng của tàu Columbia được kể một cách chi tiết đầy kịch tính, bắt đầu từ nhiều tháng trước vụ phóng gặp rắc rối, diễn ra trong suốt 16 ngày trên quỹ đạo và kết thúc bằng cuộc điều tra về sự ra đi bi thảm của 7 phi hành gia.
Đan xen những thước phim do chính các phi hành gia quay bên trong con tàu là lời phát biểu trực tiếp độc quyền từ nhiều thành viên gia đình của phi hành đoàn tàu con thoi, nhân vật chủ chốt tại NASA trong đó có cả một số người chưa bao giờ lên tiếng trước đây và các nhà báo đưa tin về thảm họa, loạt phim vẽ nên bức chân dung thân mật của phụ nữ và nam giới trên tàu, đồng thời khám phá chi tiết, cơ hội bị bỏ lỡ cuối cùng dẫn đến thảm họa.
Với quyền truy cập rộng rãi vào kho lưu trữ của NASA, bao gồm các cảnh quay chưa từng thấy trước đây, những phát hiện từ cuộc điều tra chính thức, tàu con thoi Columbia là thảm kịch quốc gia cùng câu chuyện nội bộ của một trong những tổ chức mang tính biểu tượng nhất nước Mỹ, khám phá ra áp lực tài chính và văn hóa tự mãn có thể đã góp phần gây ra sự kiện nổ tung tàu con thoi Columbia ngày 1.2.2003.
Loạt phim cũng phản ánh di sản của kỷ nguyên tàu con thoi, đóng vai trò vào việc khám phá kịp thời những thách thức và mối nguy hiểm cố hữu vẫn còn liên quan đến du hành vũ trụ ngày nay.
Khi bắt đầu, chương trình tàu con thoi, NASA hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên khám phá mới, giúp các phi hành gia ở lại không gian bằng một chuyến đi có thể tái sử dụng với chi phí tương đối rẻ. Đó là một dự án đã thay đổi mãi mãi quá trình bay vào vũ trụ với những thắng lợi cũng như thất bại bi thảm.
Được coi là một "kỳ quan kỹ thuật", tàu vũ trụ đầu tiên trong số năm tàu vũ trụ có cánh – tàu con thoi Columbia – thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1981.
22 năm với 28 chuyến du hành vào vũ trụ, Columbia bị nổ tung trong lần trở về trái đất cuối cùng, tất cả 7 thành viên phi hành đoàn trên tàu thiệt mạng.
Thảm kịch đánh dấu sự kết thúc chương trình tàu con thoi của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ - NASA. Tuy nhiên ký ức về nó tiếp tục vang vọng trong các hội trường của NASA đến tận ngày nay, để lại dấu ấn lâu dài về sự an toàn của con tàu.
"Lịch sử loài người dạy chúng ta rằng trong quá trình khám phá, sau khi những tai nạn như thế này xảy ra, chúng ta có thể học hỏi để giảm thiểu rủi ro hơn nữa, mặc dù phải thành thật thừa nhận rằng chúng ta không bao giờ có thể loại bỏ được những rủi ro", Quản trị viên NASA Sean O'Keefe, người điều hành cơ quan này từ năm 2001 đến năm 2004, đã phát biểu trước các thành viên Quốc hội ngay sau thảm họa Columbia.
Sau khi chương trình tàu con thoi ngừng hoạt động, không có phi hành gia Mỹ nào du hành vào vũ trụ trên một tên lửa do Mỹ sản xuất trong gần một thập kỷ.
Chương trình tàu con thoi
Dự án tàu con thoi được xây dựng dựa trên sự lạc quan sau thành công chương trình Apollo của NASA đưa 12 phi hành gia lên bề mặt mặt trăng thời Chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, Apollo cực kỳ đắt đỏ khi NASA phải chi 25,8 tỉ USD (hơn 200 tỉ USD theo thời giá hiện tại). Với những hạn chế về tài chính, vào giữa những năm 1970, các kỹ sư NASA đã chế tạo một phương tiện vận chuyển không gian hoàn toàn mới.
Apollo sử dụng những tên lửa cao chót vót và những con tàu nhỏ - dự định chỉ bay một lần - để trở về trái đất từ không gian.
Ý tưởng về tàu con thoi là một bước ngoặt đáng chú ý: tàu có cánh, có thể tái sử dụng sau khi cất cánh bằng tên lửa, di chuyển quanh trái đất và đáp trên một đường băng giống như máy bay. Từ đó, tàu con thoi có thể được tân trang và bay trở lại. Về mặt lý thuyết sẽ giảm chi phí cho mỗi sứ mệnh.
Trong suốt 3 thập kỷ, đội tàu con thoi của NASA thực hiện 135 sứ mệnh phóng và sửa chữa các vệ tinh, xây dựng ngôi nhà cố định cho các phi hành gia với Trạm vũ trụ quốc tế IS và vận hành kính viễn vọng không gian Hubble. Tuy nhiên chương trình tàu con thoi đã kết thúc vào năm 2011.
Theo một bài báo năm 2018 của một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, mỗi lần phóng tàu con thoi tiêu tốn trung bình khoảng 1,5 tỉ USD. Con số này nhiều hơn hàng trăm triệu USD so với những gì cơ quan vũ trụ này hy vọng khi bắt đầu chương trình, ngay cả được điều chỉnh theo lạm phát. Sự chậm trễ kéo dài và trở ngại kỹ thuật cũng cản trở sứ mệnh của nó.
O'Keefe, cựu quản trị viên NASA, cho biết trong loạt phim tài liệu Space Shuttle Columbia: The Final Flight: "Mọi sứ mệnh mà tôi tham gia đều bị hủy bỏ, lên lịch lại, bị trì hoãn vì có điều gì đó không ổn".
Hai thảm họa: vụ nổ tàu Challenger năm 1986 và tàu Columbia năm 2003 cướp đi sinh mạng của 14 phi hành gia.
Nhìn lại thảm họa tàu Columbia
Vào sáng ngày 1.2.2003, tàu Columbia đang trên đường về nhà sau sứ mệnh kéo dài 16 ngày lên vũ trụ. Phi hành đoàn 7 người đã thực hiện hàng chục thí nghiệm khoa học khi ở trên quỹ đạo và dự kiến hạ cánh lúc 9 giờ 16 phút sáng theo giờ miền đông ở Florida.
Các kỹ sư của NASA cho biết một miếng xốp dùng để cách nhiệt thùng nhiên liệu lớn màu cam của tàu con thoi bị rơi ra trong lúc phóng ngày 16.1, va vào tàu Columbia.
Tuy nhiên, quan điểm của NASA là vật liệu cách nhiệt nhẹ có thể không gây ra tác hại đáng kể. Theo báo cáo điều tra tai nạn chính thức thảm họa Columbia, một số miếng xốp đã vỡ trong các nhiệm vụ trước đó và gây ra thiệt hại nhẹ, nhưng đều được coi là "rủi ro chuyến bay được chấp nhận" .
Sau đó thông tin cho thấy những lo ngại về tác động của miếng xốp được ban quản lý NASA che đậy dựa theo báo cáo điều tra và trong phim Space Shuttle Columbia: The Final Flight.
Rodney Rocha, kỹ sư trưởng tàu con thoi của NASA, cho biết trong loạt phim mới: "Tôi rất khó chịu, tức giận và thất vọng với các kỹ thuật viên của mình, từ trên xuống dưới".
Theo NASA, 7 phi hành gia thậm chí còn nhận được một email từ bộ phận kiểm soát sứ mệnh cảnh báo họ về vụ bung miếng xốp cách nhiệt vào ngày thứ tám của sứ mệnh, trấn an họ rằng không có lý do gì để báo động.
Nhưng mọi thứ không diễn ra suôn sẻ. Một cuộc điều tra sau đó cho thấy lớp xốp bong ra đã va vào cánh trái của tàu Columbia trong quá trình phóng, làm hỏng hệ thống bảo vệ nhiệt của tàu vũ trụ.
Sự cố này không ảnh hưởng đến các thành viên phi hành đoàn khi họ ở trên không gian hơn hai tuần. Nhưng việc cách nhiệt cho con tàu là rất quan trọng cho chuyến trở về đầy nguy hiểm. Tàu con thoi phải lao trở lại tầng khí quyển dày đặc của trái đất trong khi vẫn di chuyển với tốc độ hơn 27.359 km/giờ. Áp suất và ma sát trên tàu vũ trụ có thể làm nóng lớp vỏ bên ngoài lên tới 1.649 độ C.
Việc quay về rõ ràng là quá sức chịu đựng đối với tàu con thoi Columbia bị hư hỏng. Khi băng qua bang New Mexico để đến Texas, con tàu bắt đầu nổ tung. Lúc 8 giờ 59 phút sáng theo giờ miền đông, hệ thống điều khiển mặt đất mất liên lạc với phi hành đoàn.
Vào lúc 9 giờ sáng, công chúng nhìn thấy tàu con thoi Columbia nổ tung ở đông Texas và kinh hoàng chứng kiến cảnh con tàu vỡ ra từng mảnh vụn rải rác khắp khu vực.
Bình luận (0)