Khởi chiếu phim về Bác Hồ

30/04/2010 09:28 GMT+7

(TNTT>) Nhìn ra biển cả, bộ phim nói về quãng đời tuổi trẻ của Bác Hồ, giai đoạn 1908 đến 1910, bắt đầu khởi chiếu trên toàn quốc.

Phim mở đầu bằng cảnh Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) làm thông ngôn giúp bà con nông dân, tiểu thương trong cuộc biểu tình phản đối sưu cao, thuế nặng. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bị đuổi học, cuộc đời anh chuyển sang một bước ngoặt mới. Anh vào thăm cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi ấy đang làm Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Ông đã giới thiệu cho con trai gặp người bạn của mình là Hồ Tá Bang- Tổng lý Công ty nước mắm Liên Thành, một trong 6 người sáng lập ra trường Dục Thanh. Nguyễn Tất Thành đã có hai năm dạy học tại ngôi trường này. 

Nhìn ra biển cả khắc họa cuộc sống của Nguyễn Tất Thành, cùng mối quan hệ của anh với các nhà chí sĩ, những người thân và đặc biệt là với các học trò thân yêu. Trong thời gian ngắn tại trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã để lại những ấn tượng sâu sắc về cách sống, cách hành xử và giảng dạy.

Hư cấu dựa trên lịch sử

Kịch bản do nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát viết đã nhận giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà nước đã “đặt hàng” kịch bản cho lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh với kinh phí làm phim lên tới trên 7 tỉ đồng.

Việc khắc họa cuộc sống của Bác lúc 18-20 tuổi là điều không dễ dàng với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vì “tư liệu rất ít”. Bà đã may mắn được đọc các lá thư do học trò của thầy Nguyễn Tất Thành (lúc đó đã 70-80 tuổi) viết, hồi tưởng lại những tháng năm học tại trường. “Tôi đã cố gắng trung thành với các chi tiết lịch sử trong việc khắc họa đời sống tại trường học, quan hệ thầy trò, đồng nghiệp khi Bác là thầy giáo tại trường Dục Thanh”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.

Bà cũng cho biết, phim có nhiều chi tiết hư cấu, vì “nhà biên kịch có quyền làm như thế nếu để làm đẹp thêm hình tượng của Bác và tăng sức hấp dẫn cho bộ phim”. Như trong đoạn đầu của phim, Nguyễn Tất Thành bị thương do tên lính Pháp bắn trong cuộc biểu tình. Khi bắt đầu dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành có nói với các trò: “Đừng nói bẩm thầy xưng con mà nói thưa thầy xưng em, thay đổi một từ cũng khiến mình văn minh hơn”. Hay như chi tiết trên bờ biển, cô học trò cầm tay thầy giáo bày tỏ tình cảm của mình, Nguyễn Tất Thành vội rụt tay lại, quay đầu chạy miết…

Khởi chiếu từ 29.4 - 20.5 tại các rạp toàn quốc như Trung tâm chiếu phim Quốc gia, rạp Tháng Tám (Hà Nội), rạp Thăng Long (TP.HCM) và nhiều rạp tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nam Định, Huế, Bình Thuận, Phú Yên, Cần Thơ, Đắk Lắk…
Đạo diễn: NSƯT Vũ Châu
Biên kịch, giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Hồng Ngát
Diễn viên: Nguyễn Minh Đức, NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Trung Anh, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Thu Hà…

Những cái khó

Đoàn làm phim rất vất vả khi lựa chọn diễn viên vào vai Nguyễn Tất Thành. Theo đạo diễn Vũ Châu, diễn viên cần phải có dáng vóc thư sinh, con mắt tinh nhanh, khuôn mặt thể hiện sự tươi trẻ. Việc tuyển diễn viên diễn ra ở ca ba miền. Cuối cùng, gương mặt mới tinh- diễn viên Nguyễn Minh Đức (người Nghệ An) đã được chọn.

Còn cái “khó” của họa sĩ thiết kế NSƯT Vũ Huy là trường Dục Thanh hiện giờ là di tịch lịch sử vì thế đoàn làm phim phải dựng một ngôi trường giống nguyên mẫu tại trường Quốc học Huế. Đã có khoảng 700 bộ quần áo mới được may cho phù hợp với thời điểm.

Thời gian gấp gáp chính là yếu tố gây sức ép nhất cho đoàn phim. Đầu tháng 11 năm ngoái, phim bắt đầu bấm máy, tháng 4 đã phải hoàn thành. Hậu kỳ phim và hòa âm được thực hiện tại Thái Lan.

Có một điều có thể khiến khán giả bất ngờ khi xem phim bởi các nhân vật (ngay cả Nguyễn Tất Thành) cũng nói giọng Hà Nội. Giải thích lý do, đạo diễn Vũ Châu nói: “Không phải ngại hay không tìm được người nói tiếng vùng miền, mà tôi muốn phổ biến bộ phim tới khán giả từ Bắc đến Nam, ai xem cũng hiểu thoại”.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.