Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km

Trần Ngọc
Trần Ngọc
17/06/2023 12:34 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã dự lễ khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng.

Sáng 17.6, Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, với tổng chiều dài 188 km. Buổi lễ được truyền hình trực tuyến tại 4 điểm cầu: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành dự lễ khởi công tại điểm cầu chính được tổ chức tại TP.Châu Đốc (An Giang). Phó thủ tướng Lê Minh Khái dự lễ khởi công tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng.

Khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

TRẦN NGỌC

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, dự án (DA) đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, từ ngân sách T.Ư và địa phương. Trong đó, điểm đầu DA kết nối QL91 thuộc TP.Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, đến giai đoạn hoàn chỉnh, DA sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km - Ảnh 2.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 3 từ trái qua) cùng lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi lễ khởi công

TRẦN NGỌC

Theo kế hoạch, DA đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Tuyến cao tốc quan trọng phát triển ĐBSCL

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển của vùng ĐBSCL và của cả nước. Việc khởi công DA đánh dấu nỗ lực rất lớn của lãnh đạo các tỉnh có dự án đi qua và các bộ, ngành trong việc phối hợp triển khai DA.

Khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 6, từ trái qua) cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh An Giang thực hiện nghi thức khởi công dự án

TRẦN NGỌC

"DA được kỳ vọng là 1 trong 6 dự án cao tốc thay đổi vùng ĐBSCL, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế. Việc đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng và thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của ĐBSCL. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, trong đó đến năm 2025 phấn đấu có 3.000 km cao tốc. Khi dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km - Ảnh 4.

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km có tổng vốn đầu tư hơn 44.691 tỉ đồng

TRẦN NGỌC

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng quyết liệt yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công dự án bảo đảm chất lượng, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Đồng thời, các bộ ngành liên quan và 4 tỉnh, thành phố có DA cao tốc đi qua phối hợp Bộ GTVT hỗ trợ để các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh An Giang bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho DA. Các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công DA một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật. Trong đó, quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ DA ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công DA.

Xem nhanh 12h ngày 17.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.