Khởi điểm thu nhập chịu thuế: 4 - 5 triệu đồng/tháng

05/09/2006 22:52 GMT+7

Tiền lãi gửi tiết kiệm, lợi tức cổ phần... cũng phải nộp thuế? Ngày 5/9, tại cuộc họp giao ban giữa Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư với lãnh đạo các cơ quan báo chí, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà bộ này vừa hoàn thành để trình Chính phủ xem xét.

Hộ kinh doanh cũng phải nộp thuế TNCN

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, dự luật thuế TNCN được xây dựng lần này hướng đến đối tượng nộp thuế không chỉ là cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có thu nhập chịu thuế mà cả các hộ kinh doanh. Ngoài ra, nếu trước đây người nước ngoài ở Việt Nam áp dụng mức khởi điểm chịu thuế và biểu thuế khác với người Việt Nam thì nay sẽ áp dụng mức thu thuế như với người Việt Nam mà không còn phân biệt về mức khởi điểm chịu thuế, biểu thuế. Do đó, với một số người nước ngoài có thu nhập từ 15 - 120 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp thuế cao hơn trước từ 0,4 - 2,4 triệu đồng.

Đáng chú ý nhất là diện thu thuế đã mở rộng ra rất nhiều. Theo ông Vũ Văn Ninh, dự thảo luật thuế TNCN sẽ điều tiết cả thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm trên mức 4 - 5 triệu đồng/tháng (tương đương với số tiền gửi tiết kiệm khoảng 700 triệu đồng trở lên). Với mức giảm trừ gia cảnh (trừ đi chi phí của bản thân người nộp thuế và chi phí cho người ăn theo: con cái, bố mẹ già...) nêu trong dự luật, một người có số tiền gửi tiết kiệm đến 600 triệu đồng, lãi một tháng chưa đến 3,9 triệu đồng chưa phải nộp thuế. Nhưng nếu số tiền gửi tiết kiệm đến 800 triệu đồng, lãi một tháng là 5,2 triệu đồng thì phải nộp thuế (số tiền nộp khoảng 60.000 đồng).

Ban soạn thảo đã đưa vào quy định tính thuế thu nhập từ việc thừa kế, nhận quà tặng của cá nhân nhưng cũng thể hiện sự dè dặt khi mới đưa các khoản thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty để tính thuế. Riêng 2 khoản lớn hiện còn gây tranh cãi có tính thuế hay không là nhà, đất thì Ban soạn thảo mới đưa vào diện chịu thuế trường hợp "đã có nhà ở nhưng lại được thừa kế thêm quyền sử dụng đất, nhà". Một lĩnh vực lớn khác được Bộ Tài chính lần đầu tiên đưa vào diện tính thuế TNCN là khoản lợi tức cổ phần, lợi tức từ việc góp vốn kinh doanh, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm cả mua bán chứng khoán.

Chiết trừ gia cảnh như thế nào?

Một điểm rất mới và cũng là đòi hỏi nhiều năm nay của người nộp thuế là phải được chiết trừ gia cảnh đã được đưa vào dự án luật thuế TNCN. Theo ông Vũ Văn Ninh, mức giảm trừ cho người nộp thuế sẽ chia làm 2 phần: phần đối với bản thân người nộp (chính là ngưỡng thu nhập chịu thuế) theo 2 phương án là 4 triệu hoặc 5 triệu đồng/tháng; phần đối với người phụ thuộc, tính đến gia cảnh của người nộp thuế. Dự án luật đưa ra dự kiến việc trừ chi phí cho người nộp thuế đối với các khoản chi phí cho người phụ thuộc gồm 3 mức.

Mức 1 là trừ 50% đối với người phụ thuộc bị tàn tật; trừ 40% với người phụ thuộc dưới 18 tuổi (thường là con cái); và trừ 30% cho mỗi người phụ thuộc khác. Với phương án 4 triệu đồng/tháng, một người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, nếu nuôi 2 con dưới 18 tuổi, sẽ được giảm trừ 7,2 triệu đồng/tháng (4 triệu đồng cho người nộp thuế và 3,2 triệu đồng cho 2 người phụ thuộc); thu nhập chịu thuế sẽ là 2,8 triệu đồng và số tiền thuế phải nộp là 180.000 đồng/tháng (hiện nay phải nộp 500.000 đồng/tháng). Nếu có thêm người nuôi dưỡng thì mức trừ còn nhiều hơn.

Một ví dụ khác, nếu theo phương án mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng, người nộp thuế có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, nuôi 2 người dưới 18 tuổi thì chỉ còn phải nộp thuế 50.000 đồng/tháng. Dự luật dự kiến mức trừ cho người phụ thuộc không quá 10 triệu đồng/tháng, tương đương với trường hợp người nộp thuế nuôi từ 5 - 7 người.

Theo biểu thuế trong phụ lục dự án Luật thuế TNCN: áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công. Do đây là các khoản thu nhập phổ biến, thường xuyên và ổn định của cá nhân trong năm nên mức thu nhập tính thuế được tính theo năm và tạm thu theo tháng. Biểu thuế gồm có 8 bậc, khoảng cách về thuế suất giữa các bậc là 5%, bậc 1 là thuế suất 0%, thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%.

Biểu thuế suất toàn phần áp dụng đối với các loại thu nhập từ đầu tư như lãi cho vay, lãi tiền gửi tiết kiệm, lợi tức cổ phần, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu nhập khác như tiền bản quyền, trúng thưởng xổ số, khuyến mãi, quà biếu, quà tặng...

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.