Hôm nay, 20.4, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khởi động dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (còn gọi là dự án Kinh điển phương Đông).
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ đã và đang chỉ đạo 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc đặc biệt cấp quốc gia, bao gồm: nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), Bách khoa toàn thư Việt Nam, Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí), dự án Kinh điển Phương Đông và Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là những dự án mang tầm vóc lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho hôm nay và mai sau.
Với dự án Kinh điển phương Đông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt, bởi khi thực hiện sẽ phát huy được các giá trị tinh hoa văn hóa, qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Dự án không chỉ có ý nghĩa về khoa học, văn hóa... mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy các giá trị tốt đẹp Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa với các nước.
Phó thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các cá nhân tham gia dự án cần thực hiện tốt việc dịch, chú giải để đưa tri thức đến với công chúng một cách thỏa đáng; không chỉ dịch các tác phẩm từ Việt Nam mà còn dịch các tác phẩm đến từ các quốc gia khác. Bảo đảm các tác phẩm được biên soạn và phục vụ cho các đối tượng nghiên cứu, mang tính hàn lâm, vừa đáp ứng nhu cầu phổ quát của đông đảo người đọc.
Cũng theo Phó thủ tướng, trong 5 dự án đang được Chính phủ chỉ đạo thì có 3 dự án được ngân sách nhà nước đầu tư. Còn lại 2 dự án (Kinh điển phương Đông và Hệ tri thức Việt số hóa) nhà nước không đầu tư mà sử dụng nguồn tài chính từ xã hội hóa.
Việc thực hiện xã hội hóa các dự án này không phải vì Chính phủ không có tiền, mà vì Chính phủ mong muốn đây là dự án chung của tất cả những người yêu mến Việt Nam ở trong và ngoài nước, cùng đóng góp tâm sức, tấm lòng để tạo ra một di sản lớn dùng chung cho mọi người. Qua đó, Phó thủ tướng bày tỏ sự hoan nghênh sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các doanh nghiệp, các nhà khoa học.
Được biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Viện Trần Nhân Tông (một viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai dự án. Đây là một đơn vị khoa học và đào tạo đặc thù, có khả năng quy tụ đội ngũ các chuyên gia trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu của dự án. Hiện nay, Viện Trần Nhân Tông đã và đang triển khai lớp bồi dưỡng năng lực dịch thuật các tác phẩm kinh điển phương Đông, qua đó chuẩn bị lực lượng hỗ trợ và kế tục triển khai dự án.
Dự kiến tham gia triển khai dự án còn có các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Triết học… thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và các đơn vị khoa học khác trong và ngoài nước; các nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Dự án Kinh điển phương Đông dự kiến được thực hiện trong 10 năm theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 3.2019 đến tháng 2.2024. Giai đoạn 2 từ tháng 3.2024 đến tháng 2.2029.
Giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị và tiến hành dịch thuật, trong đó, dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, dự án tiến hành dịch thuật theo 2 hướng toàn dịch và toát yếu.
Giai đoạn 2 là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được trước tác, chú giải tại Việt Nam.
Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, 2 quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử, 13 bộ kinh điển của Nho gia cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu ra của dự án còn cung cấp các mô hình, giải pháp phát huy các giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông tới cộng đồng, và đặc biệt là cơ sở dữ liệu số về bộ sản phẩm của dự án và cổng thông tin điện tử phục vụ tra cứu rộng rãi.
|
Bình luận (0)