Mới đây, Sở NN-PTNT Đắk Nông xây dựng dự thảo đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Theo dự thảo này, các vùng sản xuất chính tập trung các loại cây, con gồm: TX.Gia Nghĩa (cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả), các huyện: Đắk G’long (cà phê, hồ tiêu, bò thịt, bò sinh sản, cá nước ngọt), Đắk Mil (cà phê, cây ăn quả, giống thủy sản), Krông Nô (cà phê, ngô, bò thịt, bò sinh sản, cá nước ngọt, lúa), Đắk Song (cà phê, hồ tiêu, rau củ quả), Đắk R’lấp (cà phê, hồ tiêu, gia cầm, heo), Tuy Đức (cà phê, hồ tiêu, bò thịt, bò sinh sản, rau củ quả)…
Về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dự thảo đề án nhấn mạnh vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị từ những đầu mối như doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp trong quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động. Đề án cũng đưa ra các giải pháp về quy hoạch chi tiết, cơ chế chính sách, thông tin tuyên truyền, đào tạo nguồn lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
|
Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng đề án quy hoạch trên sẽ khởi động chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Hiện dự thảo đề án đang trong quá trình hoàn chỉnh với việc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp, nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. “Định hướng của tỉnh trong chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là các tổ chức như doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân; đồng thời phát triển mở rộng trong nông dân”, ông Lộc nói. Theo ông Lộc, do tính chất quan trọng của chương trình này, tỉnh đang nghiên cứu thành lập Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trực thuộc UBND tỉnh, thay vì trực thuộc Sở NN-PTNT.
Theo ông Lê Văn Một, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Sở KH-ĐT Đắk Nông, tỉnh mong muốn doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao trong chọn lọc, lai ghép, nuôi cấy mô, nhân giống; phát triển các cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đối với một số cây trồng chủ lực...
Ông Một cũng cho biết địa phương khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư theo kiểu liên kết chuỗi với nông dân; theo đó, các đơn vị cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật; chứng nhận, bao tiêu sản phẩm; còn nông dân tham gia bằng đất sản xuất, công lao động… “Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai bước đầu có hiệu quả mô hình liên kết chuỗi để trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 20 ha tại các huyện Cư Jút, Đắk R’lấp và TX.Gia Nghĩa. Một doanh nghiệp Hà Nội có chi nhánh tại Đắk Nông đã ký hợp đồng với nông dân trồng, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm và cùng chia sẻ lợi nhuận giữa hai bên. Giữa năm 2018, mô hình này sẽ được tổng kết và nhân rộng”, ông Một chia sẻ.
Ngoài ra, liên kết chuỗi trong ứng dụng công nghệ cao cũng được tỉnh Đắk Nông kêu gọi doanh nghiệp triển khai đầu tư với các dự án, mô hình về chăn nuôi bò sữa, bò thịt, heo; sản xuất tiêu, cà phê, mắc ca, các loại hoa; cùng các cây ăn trái đặc sản như bơ, sầu riêng, chanh dây, xoài…
Ưu đãi đầu tư trong khung cao nhất
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Sở KH-ĐT Đắk Nông, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh này nằm trong khung ưu đãi cao nhất của Chính phủ. Đối với tiền thuê đất, doanh nghiệp được miễn tối thiểu là 11 năm; tối đa là miễn cả dự án (nếu ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư 15 năm; hoặc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư). Về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo (tất cả các dự án).
Ngoài ra, có thêm các ưu đãi của địa phương như: hỗ trợ lãi suất vay xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ lãi suất vay (khoản chênh lệch giữa vay thương mại so với vay Quỹ đầu tư phát triển); hỗ trợ về lao động, xúc tiến thương mại; tư vấn, làm hồ sơ, thủ tục miễn phí cho doanh nghiệp…
|
Bình luận (0)