Hậu thế mãi mãi ghi nhớ hình ảnh vua Duy Tân rời khỏi Hoàng cung cùng với 3 thị vệ đại thần, mang theo các ấn vàng và kim bài bằng ngà voi trong đêm khởi nghĩa với thái độ dứt khoát, quyết từ bỏ ngai vàng hữu danh vô thực, cho thấy tâm thế của một quân vương khổ đau trước cảnh nước nhà bị nô lệ.
Khi bị bắt, nhà vua tuyên bố: "Từ lâu tôi có ý định đưa yêu sách lên nhà nước Pháp, nhưng tôi tin rằng nếu tôi nói với các vị Thượng thư của tôi thì kế hoạch của tôi sẽ không triển khai được. Vì vậy, tôi muốn tạo ra tình trạng hỗn loạn và gây ra cuộc nổi dậy trong nước, để buộc nhà nước Pháp phải mang lại hòa bình và quan tâm đến những yêu sách của tôi. Đây không phải quyền lợi cá nhân xui khiến".
Thái độ đó cũng được ông nói với thầy mình rằng: "Tôi chỉ xin thầy biết cho rằng người trai trẻ này đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc và sẵn sàng hy sinh vì người" và "Tôi đã ra khỏi Hoàng cung, đã làm những điều mà tôi đã làm theo tiếng gọi của Tổ quốc mà không gì có thể cưỡng lại"…
Có thể nói, "ngọn cờ" vị vua yêu nước Duy Tân trong cuộc khởi nghĩa năm 1916 là sự phản kháng cuối cùng của vương triều Nguyễn trước quân xâm lược Pháp, bởi từ đó về sau không còn vị vua nào dám đứng lên chống thực dân Pháp nữa. Vua Duy Tân đã thực hiện trọn vẹn tinh thần "nước nhục thì lấy máu mà rửa" như ông từng tuyên bố.
Về các lãnh tụ chủ chốt, ngày 16.5.1916, nhận được bản án của Nam triều, Khâm sứ Trung kỳ đã có công văn xin ý kiến Toàn quyền Đông Dương để "xử trảm 4 thủ phạm", dự kiến diễn ra vào ngày 17.5.1916, gồm: Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Đội Siêu. Vì, "Phủ Phụ chính khẩn thiết yêu cầu tiến hành cuộc hành quyết vào ngày mai - thứ tư, trước khi diễn ra lễ đăng quang của vua mới". Toàn quyền Đông Dương lập tức có Công điện số 1722, "Cho phép ông thi hành việc hành quyết".
Đúng như yêu cầu "khẩn thiết" của Phủ Phụ chính, ngày 18.5 là lễ đăng quang của vua Khải Định, nên việc thi hành án phải tiến hành ngay chiều 17.5.1916: "Chiều hôm qua đã hành quyết bốn tội phạm" và "Bốn tên cầm đầu cuộc nổi loạn đã bị hành quyết vào lúc mười sáu giờ ba mươi phút mà không có sự cố gì" (Tài liệu số 190, Hồ sơ 65530).
Thời điểm chính xác Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu lên đoạn đầu đài là: Lúc 4 giờ 30 chiều 17.5.1916, tại bãi chém An Hòa (Huế). Tờ Nông Cổ Mín Đàm, số 101, ngày 8.6.1916 thuật rằng: "Đến 4 giờ rưỡi chiều, 4 cái đầu đã rớt xuống, song le cái đầu tên thầy pháp (Trần Cao Vân) phải chém 6 lần; mặt trời rọi xuống ngó ghê gớm, hễ gươm chém xuống rồi lại dội lại làm như vậy ai nấy đều day mặt chỗ khác không dám ngó. Ấy là lời thầy pháp đã tiên tri trước như vậy đó".
Qua các tài liệu của mật thám Pháp ta thấy Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu rất được vua Duy Tân tin cẩn, họ rất đồng cảm với nhà vua về khát vọng khôi phục quyền độc lập. Đội Siêu, Thị vệ Đề đã đại diện xứng đáng cho tầng lớp quan lại Việt Nam biết đặt quyền lợi quốc gia, xã tắc lên trên hết trong buổi suy tàn của vương triều Nguyễn, họ thuộc "hàng ngũ quan trường còn khá nhiều người chống Pháp, nuôi chí khôi phục giang sơn, chí ấy còn đủ mạnh để ít nhiều ảnh hưởng đến cả một vài ngôi vua trong những điều kiện lịch sử nhất định" (Trần Văn Giàu).
Cuối cùng, một "ân huệ" của triều đình Huế dành cho 4 con người trung quân ái quốc đó là: "Vân, Phiên, Đề và Siêu bị xử trảm ngay nhưng miễn việc bêu đầu". Thế là, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề ung dung ra pháp trường, chấp nhận một cái chết với sự uy nghi, lẫm liệt của những người anh hùng, đúng như câu thơ mà Trần Cao Vân để lại:
Anh hùng sá kể cơn thành bại
Sử sách ngàn thu chép rạch ròi.
Tài liệu lưu trữ cũng giúp tường minh nhiều "bia miệng" được cho là cộng tác với Tây, đàn áp cuộc khởi nghĩa như: Trần Tiễn Hối, Trần Quang Trứ, Võ Liêm, Sáu Cụt, Phạm Liệu, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Văn Phụng, Hồ Đắc Mậu, Hà Xuân Hải, Lâm Tô Bích, Ngô Đình Khôi... cùng tâm thế, hành trạng "tận tụy" của các quan Phủ Phụ chính và Tôn Nhơn phủ. Không phải ngẫu nhiên người Pháp cho rằng "Chúng ta đã tìm được sự cộng tác của những giới chức cầm quyền ở các tổng, xã. Họ đã tự động nhiều lần bắt giữ các can phạm" và đã "Yêu cầu Khâm sứ chuyển đến các thành viên của Phủ Phụ chính lòng kính trọng của chính phủ Cộng hòa Pháp về sự khôn ngoan và lòng trung thành của Phủ Phụ chính"…
Chỉ tiếc rằng, cho đến nay cả nước chưa có các công trình công cộng hoặc tên đường nào mang tên Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề và hàng chục người khác trong cuộc khởi nghĩa này. Giá như ai đó thông qua nguồn tài liệu mới này, làm một bộ phim truyện nhằm vinh danh những người anh hùng đã "lấy máu để rửa nhục cho nước" ấy.
(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)
Bình luận (0)