Trong hội thảo Youth Co:Lab Việt Nam 2018 với chủ đề “Phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững” tại TP.HCM, đã có nhiều chia sẻ xoay quanh vấn đề làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp nắm bắt được cơ hội tác động tích cực đến cộng đồng. Hội thảo do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, Phạm Thị Quỳnh Hương (sáng lập dự án Save your Ocean) đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp tạo tác động xã hội của mình, đồng thời với đó là những thách thức mà Hương gặp phải khi khởi nghiệp theo con đường này.
|
Hương từng nghỉ việc tại một công ty của Nhật, sau đó đến một trường tiểu học ở nông thôn và dạy tiếng Anh. Cuối tuần thì đi du lịch, và cũng từ những lần đi du lịch như thế, cô phát hiện một thực trạng là nhu cầu sử dụng chai nước nhựa của khách đi du lịch rất nhiều. Nhưng uống xong rồi họ lại vứt đi, chính vì thế mà nhiều người hiện nay đi du lịch không chỉ để lại những dấu chân mà còn để lại một đống rác tại địa điểm du lịch. Từ đó, Hương suy nghĩ nếu không làm gì thì môi trường của chúng ta đang sống sẽ như thế nào.
Và dự án Save your Ocean ra đời. Dự án sẽ cung cấp bình đựng nước an toàn và các trạm tiếp nước. Với bình nước này, khi đi du lịch chỉ cần tới một trạm cung cấp nước và chạm nhẹ nắp của bình vào vòi nước thì nước sẽ chảy ra và mỗi lần lấy nước chỉ tốn phí 2.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với việc mua một chai nước lọc bình thường khác.
Hiện nay dự án Save your ocean có khoảng hơn 1.000 trạm cấp nước thông minh ở các địa điểm du lịch ở Hà Nôi, TP.HCM,…
Hương cho biết, mục tiêu của dự án là hợp tác với các công ty, đơn vị du lịch lắp đặt khoảng 10.000 trạm cấp nước thông minh trên khắp thế giới. Theo đó sẽ giảm thiểu khoảng 100 triệu chai nhựa đến năm 2020.
Dự án mang nhiều ý nghĩa cộng đồng như vậy nhưng Hương cho rằng khó khăn để thực hiện dự án này là không hề nhỏ. “Cũng chính vì mang tính cộng đồng, bảo vệ môi trường nên gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và nguồn vốn. Tuy nhiên, lợi nhuận thì quan trọng thật nhưng có những giá trị còn quan trọng hơn rất nhiều lần. Và dự án của chúng tôi đặt giá trị cộng đồng lên trên giá trị kinh tế”, Hương chia sẻ.
|
Trước những vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam đang gặp phải, bà Caitlin Wiesen (giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam) cho rằng: “Việt Nam cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, mạnh mẽ và tăng cường kỹ năng để có thể khơi nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào của thanh niên trong việc giải quyết những thách thức lớn trên con đường phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, bà Caitlin Wiesen cũng cho biết UNDP sẽ tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững. Và những dự án được chọn sẽ tham gia chương trình ươm mầm tăng tốc khởi nghiệp, cũng như có cơ hội trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình với các nhà đầu tư quốc tế. Từ đây sẽ giải quyết được khó khăn về việc gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội.
Chương trình lần này sẽ diễn ra chuỗi hoạt động bao gồm hoạt động đào tạo, cố vấn với mục tiêu hỗ trợ khoảng 130 thanh niên Việt Nam khởi nghiệp. Chương trình diễn ra tại TP.HCM trong suốt 3 ngày từ 22-24.6 tại Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và HCMBK - UP (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM).
Sinh viên thiếu kiến thức khởi nghiệp
Cũng tại hội thảo, ông Dương Văn Bá, Vụ phó Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện nay học sinh, sinh viên chưa có kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp và các hoạt động tự tạo việc làm. Tinh thần của sinh viên hiện nay cơ bản là đang học để xin việc, mà chưa có tinh thần học để tìm việc. Học để xin việc là học cho có bằng tốt nghiệp rồi cầm đi xin đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp nào đó và người ta cho việc gì thì mình làm việc đấy. Chứ chưa có tinh thần chủ động tìm việc và tự tạo việc làm phù hợp với bản thân mình. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT đang triển khai đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, nhằm thúc đẩy tinh thần và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên để hình thành ý tưởng khởi nghiệp, cũng như hỗ trợ cho sinh viên tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. |
Bình luận (0)