Khởi nghiệp độc đáo với tài nguyên bản địa xứ dừa

16/01/2020 09:00 GMT+7

Hưởng ứng Chương trình số 10 - Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (Chương trình) do Tỉnh ủy Bến Tre phát động từ năm 2016, không ít người dân đã vươn lên làm giàu từ nguồn tài nguyên bản địa phong phú tại xứ sở dừa.

Chương trình đã có sức lan tỏa sâu rộng trong dân, nhiều cách làm hay giúp nông dân tăng cao nhu nhập, dịch chuyển tư duy hướng đến kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ của thời đại 4.0.

Nâng giá trị nông sản và thu lợi từ dịch vụ vùng sản xuất

Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ Chương trình, giữa năm 2018, cô kỹ sư Trịnh Thị Ngọc Hiện (30 tuổi) bỏ thành thị để len lỏi vào khu vực rừng Thạnh Phú, Bình Đại khởi nghiệp bằng dự án “Kinh doanh với người giữ rừng”. Dự án hướng đến khai thác thủy hải sản có chọn lọc, phát triển du lịch dưới tán rừng để giúp người dân địa phương tăng thu nhập từ rừng. Nhờ dự án này, người dân vùng rừng có thêm thu nhập khoảng 15% và có ý thức vừa khai thác vừa tái tạo tài nguyên trong rừng, bảo vệ rừng. Sau đó, chị Hiện mở thêm dịch vụ đưa khách du lịch tham quan rừng ngập mặn ven biển, thưởng thức hải sản sạch có sẵn dưới tán rừng. Tháng 10.2019, doanh nghiệp do chị Hiện thành lập là một trong 160 doanh nghiệp trong cả nước được nhận giải thưởng “Sáng kiến Én Xanh năm 2019”.
Năm 2017, với dự án sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh, anh Trần Phúc Hậu (31 tuổi, ngụ TT.Bình Đại, H.Bình Đại) đã tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh lần thứ nhất do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở KH-ĐT tỉnh Bến Tre tổ chức. Cuộc thi đã giúp anh Hậu tự tin, mạnh dạn hơn trong đầu tư khởi nghiệp. Được Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vay vốn 250 triệu đồng (lãi suất 4%/năm), anh Hậu quyết định thành lập công ty, phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường... Từ thành công ban đầu, Hậu đã thuê đất để mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất. Sắp tới, doanh nhân trẻ này còn dự định sản xuất thêm các dòng sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên phục vụ nuôi tôm để dần thay thế thuốc kháng sinh nhằm sản xuất tôm sạch.
Nhận thấy hiệu quả từ việc kinh doanh du lịch bằng vườn sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn “sạch”, từ 3 năm trước, vợ chồng lão nông Mai Hồng Thảo (58 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách) sử dụng phân hữu cơ và thuốc vi sinh cho khoảng 3,5 ha vườn sầu riêng nhà mình. Khoảng 2 năm sau, các tour lữ hành đã bắt đầu chú ý và đưa khách đến đây. “Mình có sầu riêng sạch để chín cây hoặc hái xuống không nhúng thuốc nên du khách tin tưởng vì được tận mắt chứng kiến điều đó. Nhờ chăm sóc vườn sầu riêng bằng “lòng tự trọng” của một nông dân nên không những năng suất tăng cao mà trái sầu riêng vườn nhà ông Thảo bán ra với giá “sàn” lên đến 80.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với các vườn cây sầu riêng không bón phân hữu cơ và phun thuốc sinh học. Khách đến vườn nhà tôi tham quan năm sau thường tăng cao hơn gấp đôi so với năm trước”, ông Thảo chia sẻ.
Tỉnh Bến Tre có hơn 30.000 ha cây ăn trái với những chủng loại trứ danh như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm Cái Mơn; bưởi da xanh, dừa xiêm xanh được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; cùng với đó là bờ cát biển dài hơn 65 km với cảnh vật còn rất hoang sơ, cảng cá sầm uất và đoàn tàu đánh bắt hải sản hùng hậu, sản lượng đánh bắt hằng năm trên 300.000 tấn, cùng gần 50.000 ha diện tích nuôi trồng các loại thủy sản như tôm càng xanh, tôm sú... Đặc biệt là thông qua phong trào Khởi nghiệp bằng du lịch nông nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa, tư duy của người nông dân đã và đang dịch chuyển mạnh mẽ sang kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chí nông - thủy sản sạch.

Tài nguyên bản địa như hoa kiểng, cây ăn trái, thủy sản... cũng là sản phẩm du lịch rất đặc biệt ở Bến Tre

Một chương trình tiên phong của “Quốc gia khởi nghiệp”

Tổng kết qua 3 năm triển khai Chương trình cho thấy Bến Tre đã kiến tạo được môi trường đầu tư kinh doanh khá tốt, thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, tạo thuận lợi để mọi người dân an tâm đầu tư, khởi nghiệp. Tính đến nay, Bến Tre có 4.500 doanh nghiệp (tăng gần 2.000 doanh nghiệp so với năm 2015), trong đó có 3.343 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký hơn 30.431 tỉ đồng, cùng 2.298 đơn vị trực thuộc.
Về Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, tỉnh Bến Tre đã tổ chức tuyên truyền đến 100% các hộ tham gia, trong 15.858 hộ nghèo đã có 8.889 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp; 2.836 hộ sản xuất phi nông nghiệp. Qua rà soát hộ nghèo cuối năm 2019, có gần 10.000 hộ thoát nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều.
Tuy vậy, theo ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, trong quá trình thực hiện Chương trình cũng bộc lộ một số hạn chế khó khăn như: hoạt động của các Ban thuộc Hội đồng tư vấn chưa đồng đều, một số địa phương chưa chủ động trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, trong thanh niên vẫn còn tâm lý e ngại, an phận nên hạn chế trong việc mạnh dạn mở rộng dự án; tập trung nhiều vào sản xuất mà chưa chú ý đến mẫu mã, marketing và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chưa có môi trường thật sự thuận lợi để thanh niên tiếp cận, học hỏi, trải nghiệm và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên các dự án khởi nghiệp của thanh niên có hàm lượng công nghệ chưa nhiều, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp...
Tham dự Hội nghị xúc tiền đầu tư tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” đã được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bến Tre đã trở thành một trong những địa phương đi đầu, làm có hiệu quả cao trong phong trào khởi nghiệp của cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.
“Với những nỗ lực có hiệu quả từ Chương trình trong thời gian qua, cùng với những tiềm lực về kinh tế - văn hóa - xã hội sẵn có, Bến Tre xứng đáng trở thành tỉnh giàu có và năng động của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, chiến lược hàng đầu của tỉnh trong thời gian tới là phải thu hút được thêm nữa các nhà đầu tư đẳng cấp, có công nghệ, tài chính, trình độ quản lý và nhìn thấy trước cơ hội của mình, gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre”, Thủ tướng nói.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Bến Tre đã tiếp và làm việc với hơn 370 đoàn đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thu hút được 106 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 34.248 tỉ đồng; 14 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 727,6 tỉ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 221 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 44.591 tỉ đồng; 51 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 863 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.