Khởi nghiệp từ cánh đồng hoang

20/11/2014 08:53 GMT+7

Tại làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền (Tây Ninh), nhiều tấm gương thanh niên khởi nghiệp từ bàn tay trắng đã vươn làm giàu chính đáng.

 Anh Nguyễn Sĩ Nam tươi cười bên cánh đồng vừa trúng vụ - Ảnh: Giang Phương

Những ngày này, làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới Ninh Điền đang bước vào vụ mùa vụ. Trên các cánh đồng lúa vàng ươm, nặng trĩu hạt, những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy kéo chạy xình xịch đưa lúa về sân phơi.

 

Thành lập hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ thanh niên

Trao đổi với Thanh Niên, anh Lê Đức Lực, Phó trưởng Ban quản lý dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền cho hay, sắp tới, Tỉnh Đoàn sẽ ra mắt HTX nông nghiệp nhằm mục đích phục vụ các dịch vụ nông nghiệp cho các hộ gia đình từ phân bón, cày bừa, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Trên cánh đồng lúa rộng gần 1 ha, hàng trăm bao lúa nằm lăn lóc sau khi chiếc máy gặt vừa hoàn thành công việc. Anh Nguyễn Sĩ Nam (39 tuổi, một thành viên của làng TNLN) tươi cười: “Năm nay năng suất cao hơn năm ngoái 5,4 tấn, thế là coi như vụ mùa đạt rồi”. Hiện anh Nam là một trong số những gia đình khá giả trong làng với đầy đủ máy móc nông nghiệp phục vụ gia đình và các hộ lân cận.  Anh Nam còn nuôi thêm rắn long thừa để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh Nam thu lãi trên 100 triệu đồng. 

Giữa trưa nắng chang chang trên mảnh đất vùng biên, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Kế Hải, một hộ gia đình đã vươn lên từ bàn tay trắng. Tiếp chuyện với chúng tôi trong bộ đồ làm đồng còn ướt đẫm mồ hôi, anh Hải cho biết tranh thủ giờ nghỉ trưa anh ra đồng cắt cho đàn bò bao cỏ vì chiều phải ra ruộng làm tới tối mịt mới về.  Anh Hải kể: “Sau khi xuất ngũ, tôi cùng vợ bước chân lên làng lập nghiệp mà không một xu dính túi. Hai vợ chồng bắt đầu canh tác mía, mì trên 1,5 ha được Tỉnh Đoàn cấp. Tranh thủ thời gian ngưng nghỉ thì làm cỏ mía, mì mướn cho gia đình khác. Hai vợ chồng anh dành dụm trong hơn 3 năm thì mua được cặp bò, cặp trâu làm vốn. Trong đó, 2 con bò nái lại đẻ ra thêm được 2 con bò con coi như có chút tài sản dư”. Hiện anh Hải nuôi được 4 con bò, 2 con trâu và hơn 1,5 ha trồng lúa, hoa màu.

Gian nan không nản

Rời gia đình anh Hải, chúng tôi tìm đến nhà anh Chu Văn Quyết, một hộ làm kinh tế giỏi của làng. Sau hơn nửa tiếng ngồi trò chuyện về thời “khai hoang phục hóa” vùng đất khô cằn, nhấp ngụm nước đá mát lạnh, anh Quyết nhớ lại hồi tháng 8.2010, bất chấp sự can ngăn của gia đình, vợ chồng anh xin nghỉ cạo mủ cao su ở xã Suối Ngô (H.Tân Châu) để khăn gói vào lập nghiệp ở làng. Lúc này, vừa thiếu vốn sản xuất lại thiếu kinh nghiệm canh tác nên nhiều lúc nản muốn bỏ cuộc. Dần dà, thấy được nhu cầu cày bừa mùa vụ trong làng ngày một nhiều, anh Quyết mạnh dạn vay mượn được hơn 90 triệu đồng để mua một chiếc máy cày. Cứ mỗi năm anh cày được 2 vụ (khoảng 60 ha), những hộ gia đình nào chưa có điều kiện thì anh bao cày đến cuối vụ mới lấy tiền. Ngoài ra, anh Quyết đầu tư trồng mì, mía, nuôi bò để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Giờ đây, anh Quyết sắm thêm 2 chiếc máy cày phục vụ bà con trong làng. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm anh còn lãi  được hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Quyết còn được Tỉnh Đoàn đánh giá là một trong những đoàn viên thanh niên nhiệt tình, năng nổ, có nhiều đóng góp cho các hoạt động tập thể của làng.

Giang Phương

>> Những 'ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc' nhận giải thưởng
>> Hơn 300 ý tưởng khởi nghiệp
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 43: Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng
>> Khởi nghiệp bằng ‘nông nghiệp lười’
>> Bí quyết khởi nghiệp vốn ít lời nhiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.