Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng
đến não, tim, đường ruột… Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng khói thuốc
làm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế
quản, viêm phổi.
Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí hơn 2 giờ, dù không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Vì vậy những người nhiễm khói thuốc thụ động có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn người hút thuốc.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi có cha (hoặc mẹ) hút thuốc thì nguy cơ bị viêm phế quản, viêm phổi cao gấp đôi trẻ có cha (mẹ) không hút thuốc. Những trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc thì nguy cơ lên cơn hen hằng ngày tăng gấp 2 lần và số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với đứa trẻ sống trong gia đình không có người hút thuốc. Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc thường hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc khói thuốc cũng phải nạo VA và cắt amidal nhiều hơn.
Ngoài ra, nếu trẻ hít phải khói thuốc do người khác hút sẽ làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh nhận thức như trí nhớ và nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao gấp 3 lần những người không sống trong gia đình có người hút thuốc lá. Các nhà khoa học tại trung tâm sức khoẻ môi trường trẻ em ở Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trên gần 4.400 trẻ em tuổi 6 - 16. Kết quả cho thấy những đứa trẻ ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác. Vì vậy các bà mẹ nên khuyến khích chồng bỏ thuốc lá hoặc tuyệt đối không được hút thuốc trong nhà.
|
Bình luận (0)