Khởi tố vụ án cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người chết

27/03/2018 04:32 GMT+7

Bước đầu, cơ quan công an xác định đây là hành vi vô ý, do sự cố; loại trừ khả năng do cố ý gây cháy, nổ.

Chiều 26.3, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu kiêm người phát ngôn của CATP, cho biết Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về PCCC, xảy ra tại chung cư (CC) Carina Plaza (1648 Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8). “Sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP giao cho PC44 thụ lý điều tra vụ việc. Trên cơ sở khám nghiệm hiện trường và kết quả điều tra ban đầu, đến nay cơ quan công an xác định đây là hành vi vô ý, do sự cố; loại trừ khả năng do cố ý gây cháy, nổ. Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT sẽ khẩn trương thu thập chứng cứ nhằm xác định trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ cháy để xử lý”, đại tá Quang nói.
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp giữa một số ban ngành, cơ quan liên quan đến vụ cháy gây thiệt hại khủng khiếp ở CC Carina Plaza. Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo (đề nghị giấu tên) một sở xác nhận dự họp nhưng “không thể tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến vụ cháy”. “Về mặt nguyên tắc khi nghiệm thu công trình phải có chứng nhận của cơ quan quản lý, chứng nhận PCCC. Đối với công trình CC Carina khi nghiệm thu đều đảm bảo chất lượng nhưng trong quá trình vận hành thì công tác bảo trì, sử dụng lại không đảm bảo. Theo báo cáo trong cuộc họp thì 6 tháng một lần PCCC có kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính”, vị này nói.
Theo dự kiến, trưa 29.3, sau cuộc họp ở UBND TP sẽ có cuộc họp báo định kỳ cung cấp mọi thông tin liên quan đến vụ việc. Chiều 30.3, UBND TP sẽ họp triển khai chỉ thị về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho nhà, CC và các công trình cao tầng.
Nhiều cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết vụ cháy xuất phát từ hầm để xe CC Carina Plaza xảy ra lúc 1 giờ 27 phút ngày 23.3; khi nhận được tin cháy, Cảnh sát PCCC huy động tổng lực ứng phó, đến 2 giờ 10 phút đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn lúc 2 giờ 27 phút cùng ngày. Kết quả cứu chữa: tổ chức hướng dẫn thoát nạn cho khoảng 1.000 người; trực tiếp cứu hộ, cứu nạn khoảng 150 người; bảo vệ, ngăn chặn cháy lan lên các tầng trên cao của khối nhà A, toàn bộ khối nhà B và C; hơn 40 ô tô, 800 xe gắn máy.
Vụ cháy làm 13 người chết, 91 người bị thương, nhiều tài sản bị thiêu rụi và cuộc sống hàng trăm hộ dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Theo ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo của TP là ưu tiên, nhanh chóng khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng… TP cũng đã giao Giám đốc Sở Xây dựng, Cảnh sát PCCC tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị triển khai việc kiểm tra, hệ thống toàn bộ hồ sơ về công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu, hoàn thành công trình; công tác quản lý, vận hành, bảo trì CC, đặc biệt là các vấn đề có liên quan lĩnh vực PCCC. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp khắc phục quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho cư dân.
Trong khi đó, Sở Xây dựng cho biết, theo hồ sơ phê duyệt, Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Hùng Thanh (công ty con của Công ty 577) làm chủ đầu tư CC Carina Plaza (khu nhà ở Hùng Thanh) có quy mô dân số 3.000 người, cấp công trình đặc biệt với khối nhà A cao 14 tầng, khối nhà B cao 20 tầng, khối nhà C cao 14 tầng (tổng số căn hộ 736 căn) và khối thương mại dịch vụ cao 4 tầng. Dự án được duyệt năm 2009, hoàn thành thi công năm 2011, đưa vào sử dụng năm 2012; chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc tổ chức nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng. Quyết định phê duyệt dự án có nội dung: “Chủ đầu tư phải thiết kế chi tiết hệ thống PCCC và liên hệ Cảnh sát PCCC để được thẩm duyệt trước khi thực hiện và giám sát trong quá trình thi công xây dựng, nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng”. Do đó, đối với công tác quản lý nhà nước về PCCC trong quá trình nghiệm thu và đưa công trình vào khai thác, sử dụng thuộc chuyên ngành của Cảnh sát PCCC.
“Họ có xuống, nhưng không kiểm tra gì nhiều”
Theo một cán bộ Cảnh sát PCCC TP.HCM, luật PCCC quy định trong 1 năm các CC, nhà cao tầng phải được 4 lần kiểm tra về an toàn PCCC. Năm 2017, theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ “về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp” nên việc kiểm tra về hoạt động PCCC chỉ thực hiện 1 lần/năm. Trước khi đi kiểm tra, Cảnh sát PCCC phải thành lập đoàn, có kế hoạch cụ thể và thông báo cho chủ đầu tư trước 3 ngày. Đến nơi, Cảnh sát PCCC sẽ nghe chủ đầu tư báo cáo về tình hình quản lý, vận hành hệ thống PCCC tại CC. “Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra các giấy tờ pháp lý như: văn bản thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, quyết định thành lập, giấy chứng nhận của đội PCCC tại chỗ… Tiếp theo đó, Cảnh sát PCCC sẽ đi kiểm tra hành lang, lối thoát hiểm, hệ thống chuông báo cháy, chữa cháy tự động, đèn hướng dẫn thoát hiểm, hệ thống bơm nước có hoạt động hiệu quả không. Hỏi người dân về kỹ năng thoát hiểm trong từng trường hợp cụ thể. Nếu kiểm tra phát hiện những sai phạm thì hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục. Còn những lỗi chủ đầu tư cố tình vi phạm sẽ lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định và bắt khắc phục”, ông này nói và cho biết thêm chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập đội PCCC tại chỗ (được cấp giấy chứng nhận); mỗi năm phải tập huấn diễn tập nâng cao cho các thành viên của đội PCCC này. Bên cạnh đó, mỗi năm 1 lần chủ đầu tư phối hợp với Cảnh sát PCCC xây dựng kế hoạch diễn tập chữa cháy, trang bị kỹ năng thoát hiểm cho cư dân. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm PCCC cho các hộ dân. “Để xảy ra thảm họa ở Carina trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó đến Cảnh sát PCCC Q.8 và chính quyền địa phương”, vị cán bộ PCCC nhìn nhận.
Trong khi đó, ngày 26.3, tiếp xúc PV Thanh Niên, nhiều cư dân CC Carina khẳng định hệ thống chữa cháy ở đây không hoạt động khi xảy ra cháy. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu và người dân nhiều lần gọi điện, gửi đơn nhưng không được giải quyết, dẫn đến thảm họa kinh hoàng vào ngày 23.3. Trao đổi với PV, một cán bộ Cảnh sát PCCC TP.HCM trực tiếp tham gia chữa cháy nhìn nhận trước khi xảy ra vụ cháy thì trong năm 2017, Cảnh sát PCCC cũng tiến hành kiểm tra định kỳ theo quy định hệ thống báo cháy ở Carina Plaza nhiều lần. “Đương nhiên, khi kiểm tra thì đơn vị phải có đủ phương tiện, phải có vòi, phải có lăng, bình chữa cháy mini, đường ống, trụ bơm... Kiểm tra thì thường xuyên nhắc nhở chứ không phải không. Nhưng người dân nói như vậy thì tôi cũng không biết nói sao”, vị này nói.
Trước ý kiến “không biết nói sao” của vị cán bộ PCCC trên, ông Võ Tấn Long (67 tuổi, ngụ block A, CC Carina) cho biết ông chính là người đã nhiều lần phản ánh về hệ thống PCCC CC. “Tôi từng làm việc trong ban quản lý, phụ trách cây xanh, kiểm soát bảo vệ, tạp vụ ở CC Carina Plaza. Năm 2016, phát hiện các trụ bơm hỗ trợ chữa cháy không hoạt động, tôi đã gọi điện vào đường dây nóng Văn phòng Thành ủy phản ánh. Sau đó thì người trực đường dây này chuyển tin lại cho đơn vị phụ trách chính là PCCC Q.8 thụ lý. Hôm đó là thứ bảy, lãnh đạo PCCC Q.8 có 2 lần gọi lại cho tôi và nói đợi qua kỳ họp HĐND TP sẽ lập đoàn kiểm tra đến kiểm tra hệ thống báo cháy ở CC. Và đúng là sau đó đoàn kiểm tra có xuống CC nhưng tôi thấy họ không kiểm tra gì nhiều”, ông Long nói.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư CC đến nay vẫn là điều bí ẩn. Từ sau vụ cháy, chủ đầu tư hầu như “biến mất”, để mặc cư dân CC bức xúc. PV Thanh Niên cũng đã nhiều lần liên lạc với chủ đầu tư để tìm hiểu vụ việc nhưng đều không kết quả.
Lửa bắt đầu từ một xe máy
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an TP, Công an Q.8 phối hợp Tổng cục Cảnh sát phía nam, Bộ Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường. Bước đầu, cơ quan công an xác định lửa xuất phát từ một xe máy tay ga để dưới tầng hầm CC Carina. Do cháy xăng nên lửa lan rất nhanh sang hàng loạt xe khác, thiêu đốt nhiều vật liệu dễ cháy (cao su, mốp xốp, nhựa) từ bánh xe, yên xe, tạo nhiều khói. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người. Cơ quan chức năng đã thu giữ một số camera lắp đặt dưới tầng hầm CC để trích xuất hình ảnh phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến bảo hiểm cháy nổ, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng để xảy ra tình trạng cháy nổ thường xuyên tại các CC là do chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chưa nghiêm, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Cần phải xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp xử lý bằng pháp luật đối với những chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các tòa nhà CC khi chưa được nghiệm thu công trình PCCC. Đình Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.