>> BẤM VÀO ĐY ĐỂ XEM VIDEO
>> Nỗ lực tìm kiếm người mất tích
>> 9 người trong một gia đình gặp nạn
>> Chìm tàu du lịch, hàng chục người mất tích
Sau một đêm thức trắng tìm kiếm, khoảng 9 giờ sáng qua, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã xác định được vị trí con tàu bị chìm, cách nơi neo đậu du thuyền khoảng 100m. Suốt 4 giờ lặn ngụp dưới sông, hầu như thợ lặn và người nhái đều không thể vào trong khoang thuyền. Đại tá Võ Đức Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, cho biết: "Do tàu sử dụng nhiều vách ngăn bằng kính chịu lực, tàu sau khi chìm lăn lộn dưới lòng sông, do các dụng cu, bàn ghế rất nhiều bị xô đổ vùi xác các nạn nhân nên việc đưa thi thể ra khỏi tàu gặp nhiều khó khăn". Cũng theo đại tá Thành, tàu chìm ở độ sâu khoảng hơn 20m. Có 3 phương án vớt xác nạn nhân, nhưng Ban Chỉ huy Đội trục vớt đã chọn phương án đưa thợ lặn xuống từng khoang tàu đưa xác nạn nhân lên bờ.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân chìm dưới sông - Ảnh: Kim Cương |
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến 13 giờ chiều, người nhái đã tìm khắp phần tầng trên của con tàu nhưng không phát hiện thi thể nào. Đến khi đột nhập vào tầng dưới thì phát hiện các nạn nhân bị dồn vào góc tàu. Phần đáy tàu bị sình lầy phía dưới sông nhấn chìm, dẫn đến rác tuồn vào nhiều. Người nhái phải phá vỡ vách đứng của tầng dưới con tàu mới có thể đưa xác các nạn nhân lên bờ.
Khoảng 13 giờ 20 phút, lần lượt những thi thể của nạn nhân xấu số được đưa lên bờ. Tiếng còi hú của xe cứu thương đưa xác nạn nhân về bệnh viện để gia đình nhận dạng xé vang một góc Khu du lịch xanh Dìn Ký. Sau hơn 2 giờ trục vớt, 15 thi thể được đưa vào bờ, còn 1 thi thể nghi bị vùi trong bùn và bàn ghế, do đó cơ quan chức năng quyết định dừng việc tìm kiếm để tiến hành trục vớt xác con tàu để tìm thi thể còn lại.
Đêm sinh nhật bi thảm
Theo điều tra ban đầu, khoảng 19 giờ ngày 20.5, tàu của Khu du lịch xanh mang ký hiệu BD 0913 do Lê Văn Đức (SN 1983, quê Bến Tre) điều khiển chở theo 21 du khách cùng 6 nhân viên phục vụ rời bến, dạo chơi trên sông về hướng hạ lưu sông Sài Gòn. Vừa rời bến khoảng 15 phút, thấy trời đổ mưa nặng hạt kèm gió to nên một số người giục tài công quay trở lại vào bờ. Khi cách bờ khoảng 100m, gió thổi mạnh làm tàu nghiêng và chìm xuống sông.
Có 5 hành khách cùng tài công và 6 nhân viên phục vụ nhảy xuống sông, bơi vào bờ hoặc được ca-nô của Khu du lịch xanh Dìn Ký cứu thoát. Riêng 16 nạn nhân xấu số không thoát được ra ngoài, chìm theo chiếc du thuyền xuống đáy sông.
Cuộc tìm kiếm nạn nhân diễn ra suốt ngày hôm qua - Ảnh: Tuy Phong |
Anh Hoàng Văn Đông (SN 1987, quê Quảng Bình, nhân viên Công ty Lan Anh đóng tại P.An Phú, TX Thuận An, Bình Dương) hãi hùng kể lại: “Tôi được mời đi dự sinh nhật cháu Quách Hồng Đạt (SN 2008), con trai của chị Trần Thị Tương (SN 1980) và Quách Lương Tài (SN 1967, người Trung Quốc, lãnh đạo Công ty Lan Anh). Khi lên tàu, tài công cho chạy chậm xuôi về hướng TP.HCM. Lúc này, trời mưa mỗi lúc một lớn dần, giông gió nổi lên cuồn cuộn nên tài công cho tàu quay về. Khi gần bến cảng thì giông gió càng dữ dội làm cho chiếc tàu lật nghiêng. Tôi nhảy xuống nước, được cứu đưa vào bờ”.
Ngồi thẫn thờ trông ngóng nhận xác người thân, anh Phạm Xuân Long kể: "Khi đang dự sinh nhật thì tôi qua bàn khác cụng bia. Phát hiện tàu chìm, tôi lao về phía vợ con, nhưng không kịp". Anh Long bơi được vào bờ, nhưng còn vợ con anh thì chìm theo con tàu.Trong số 16 người bị tử vong, có 4 người Trung Quốc. Hôm qua, đại diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc làm việc với ông Quách Lương Tài. Ông Tài nghẹn ngào kể lại: “Lúc tàu vừa xuất bến, tôi thấy mưa gió hơi to nên có nhắc nhở tài công đừng ra xa. Nào ngờ trong lúc gia đình đang cùng ngồi ăn tiệc thì xảy ra sự cố đau lòng”. Trong lúc tàu chìm dần, ông Tài lao ra ngoài, may mắn được ca-nô cứu thoát, còn vợ và 2 con (Quách Thị Lan Anh và Quách Hồng Đạt) cùng 4 người bạn Trung Quốc đã bị chìm xuống sông.
Lực lượng chức năng đưa xác nạn nhân vào bờ - Ảnh: Kim Cương |
Chìm tàu, “nổi” lên trách nhiệm
Về tiến độ điều tra nguyên nhân, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án chìm tàu để điều tra làm rõ hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; đồng thời tạm giữ hình sự Lê Văn Đức, Lê Văn Quang (quản lý tàu) và Đinh Văn Quân (quản lý nhà hàng nổi Dìn Ky á- Chi nhánh ở xã Bình Nhâm) để phục vụ công tác điều tra. Ngay sau khi xảy ra vụ chìm tàu, làm việc với Cơ quan điều tra, Lê Văn Đức không xuất trình được các loại giấy tờ hợp lệ để điều khiển tàu.
Một cán bộ điều tra cho biết tàu BD 0913 có chiều dài khoảng 27m, rộng 4m, cao khoảng 6m. Phần chìm dưới nước của tàu chỉ khoảng hơn 1m, trong khi phần nhô lên quá cao, lại bị các vách ngăn che chắn nên khi gặp gió lớn, tàu rất dễ bị lật. Theo Sở GTVT Bình Dương, chiếc tàu này có tải trọng trên 200 tấn, công suất trên 135 mã lực, có thể vận chuyển từ 50 khách trở lên nên việc đăng kiểm, cấp phép do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện. Trong khi đó, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy tàu BD 0913 đã hết hạn đăng kiểm vào tháng 2.2011. "Khi hết hạn đăng kiểm, thì việc kiểm tra và xử phạt do CSGT đường thủy thực hiện", một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết. Còn một CSGT đường thủy tỉnh Bình Dương nói: "Nếu tàu không đủ điều kiện hoạt động, lái tàu không được đào tạo và cấp giấy phép theo quy định, khi xảy ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện".
Dùng phao trục vớt tàu Ngay sau tai nạn, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp lực lượng tìm kiếm cứu nạn Quân khu 7, Lữ đoàn công binh 25, Bộ Tư lệnh TP.HCM, trường Sĩ quan công binh, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, huy động 24 thuyền loại từ 3 đến 5 tấn, gần 50 người nhái, thợ lặn; 300 cảnh sát và y-bác sĩ đến hiện trường để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. UBND tỉnh Bình Dương cũng chi khoảng 400 triệu đồng phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Khoảng 16 giờ chiều qua, sau khi tìm thấy 15 thi thể nạn nhân, lực lượng cứu hộ đã tiến hành trục vớt xác con tàu để đưa vào bờ. Những người thực hiện nhiệm vụ trục vớt cho biết sẽ đưa các phao lớn xuống nước, sau đó bơm đầy hơi để nâng chiếc tàu lên rồi dìu vào bờ. Đến 19 giờ chiều cùng ngày, công việc trục vớt vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Các thợ lặn tiếp cận con tàu để đặt các phao và bơm hơi. TP.HCM hỗ trợ lực lượng tìm kiếm, cứu nạn Theo thông tin từ Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, sau khi nhận được tin chìm tàu du lịch nói trên, Sở đã điều động khoảng 50 cán bộ chiến sĩ, trong đó có hơn 20 người nhái cùng một số phương tiện chuyên dùng cứu hộ cứu nạn đến hiện trường, phối hợp cơ quan chức năng của Bình Dương tiến hành công tác tìm kiếm cứu hộ. Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết: “Đợt này, Sở đã huy động toàn bộ lực lượng người nhái tham gia cứu hộ và lực lượng cứu hộ cứu nạn của Sở đóng vai trò nòng cốt trong việc tìm kiếm”. Ngoài ra, một chỉ huy của trạm Rạch Tra thuộc Phòng CSGT đường thủy, Công an TP.HCM, cho biết tối 20.5 trạm cũng được lệnh điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường hỗ trợ Bình Dương tham gia cứu hộ và điều tiết giao thông… sau khi xảy ra tai nạn chìm tàu. Đàm Huy |
5 du khách được cứu sống: 1/ Hoàng Văn Đông (SN 1987) Nhân viên Khu du lịch xanh Dìn Ký được cứu sống: 1/ Lê Văn Đức (SN 1983, quê Bến Tre) 16 người tử nạn: 1/ Trần Thị Tươi (SN 1980, vợ ông Quách Lương Tài) (Nguồn: Công an tỉnh Bình Dương) |
Hoàng Tuấn - Kim Cương - Tuy Phong
Bình luận (0)