Khốn khổ vì mưa tuyết

25/01/2016 06:30 GMT+7

Trái ngược với sự hào hứng của du khách đổ về khu vực có tuyết rơi, người dân, chính quyền địa phương phải khốn khổ vật lộn chống chọi với thời tiết rét buốt...

Trái ngược với sự hào hứng của du khách đổ về khu vực có tuyết rơi, người dân, chính quyền địa phương phải khốn khổ vật lộn chống chọi với thời tiết rét buốt...

Một người dân bên vườn rau chuẩn bị bán tết bị phủ lớp tuyết dày - Ảnh: Trần HồMột người dân bên vườn rau chuẩn bị bán tết bị phủ lớp tuyết dày - Ảnh: Trần Hồ
Gồng mình chịu rét
Có mặt tại xã vùng cao Y Tý (H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi thời tiết khí hậu tương đồng với TT.Sa Pa (H.Sa Pa, tỉnh Lào Cai), rạng sáng 24.1, tuyết bắt đầu rơi và chỉ chưa đầy nửa ngày khắp các xã vùng cao giáp biên của H.Bát Xát: Y Tý, A Lù và Ngải Thầu đều ngập trong tuyết. Đường sá bị phủ dày lớp tuyết trơn trượt khiến giao thông đi lại khó khăn hơn.
Ở khu vực trung tâm xã Y Tý đến 10 giờ sáng, đường sá chỉ có lác đác người đi lại. Còn trong chợ Y Tý, tuyết phủ làm sập một số bạt che chắn. Trời rét buốt, nhiều cửa hàng chẳng buồn dọn hàng chào bán như ngày thường.
Quan sát khắp chợ, đông “khách” nhất là các khay bếp than luôn có người quây tụ xung quanh sưởi ấm. Nhìn đám học trò mặt mũi lem luốc co ro hơ đôi bàn tay sưởi ấm, cô Hà Thị Thu Hiền, giáo viên Trường mầm non xã Y Tý, chia sẻ mưa tuyết với người miền xuôi thì háo hức, còn ở đây người lớn, trẻ nhỏ phải gồng mình chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt. Đa phần là hộ nghèo, bố mẹ chẳng có tiền mua đủ áo ấm cho con, có đoàn từ thiện nào lên cho bộ nào thì có bộ ấy mặc.
Nhìn tuyết rơi trước sân đồn biên phòng, trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Y Tý, cho hay đời sống người dân ở các xã giáp biên cực kỳ khó khăn. Mưa tuyết bao phủ một ngày, rau màu đã bị táp lá như để trong tủ lạnh. Nếu kéo dài sang ngày thứ hai, thứ ba coi như mất trắng. Bà con dân tộc vốn đã nghèo, trông chờ vào ít ruộng rau bán tết nay coi như trắng tay. Khi tuyết tan, thiệt hại chưa dừng lại, hơi lạnh sẽ khiến trâu bò bị cứng chân, nếu không phòng chống tốt để gia súc chết rét đồng nghĩa với nhiều gia đình “tiêu tan cơ nghiệp”.
Nông dân lo mất Tết
Còn tại địa bàn H.Sa Pa (tỉnh Lào Cai) người dân cũng điêu đứng khi tuyết rơi ở thời điểm nhạy cảm, người dân hối hả chuẩn bị hàng trăm héc ta rau màu, đàn gia súc gia cầm cung cấp thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Cất công trồng 1 ha rau chuẩn bị bán những ngày giáp tết, chỉ sau một trận mưa tuyết, vườn rau nhà ông Đinh Viết Phương (tổ 7, TT.Sa Pa) đã bị dập nát, vùi lấp dưới tuyết.
Theo ông Phương, rau bị tuyết phủ khả năng phục hồi là rất thấp, khó cứu vãn, thiệt hại sơ sơ đã lên tới vài chục triệu đồng. “Trồng rau chờ bán tết là nguồn thu nhập chính trong dịp cuối năm, mà nay mất trắng thì cả nhà coi như mất tết”, ông Phương thở dài.
Tại xã Lao Chải (H.Sa Pa), ông Lý A Thào, Trưởng bản Lý, cho biết tuyết rơi dày nhưng cả bản đang hối hả vào rừng đưa trâu bò về nhà. Cả bản có khoảng 100 con trâu và hơn 200 con bò nhưng chỉ có khoảng 30% số trâu bò được đưa về nhà. Số còn lại vẫn ở trong rừng nên nguy cơ bị chết rét là rất cao. Có đàn 4 con trâu mới từ rừng đưa về, ông Lý Văn Công, ở bản Lý, cho biết cả nhà đang phải nhường gạo ăn để nuôi trâu chống rét. “Mỗi ngày gia đình đều trích gạo ăn hằng ngày nấu 2 nồi cháo pha thành 80 lít nước cháo loãng cho trâu uống chống rét”, ông Công nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế H.Sa Pa, cho biết đến chiều 24.1, toàn huyện đã có 105 ha rau màu, 67,5 ha trồng atiso bị tuyết vùi lấp. Lượng tuyết đo được tại Sa Pa dày từ 5 - 7 cm. Trong ngày, H.Sa Pa ghi nhận có 1 con trâu, 6 con nghé bị chết rét. Trên địa bàn toàn H.Sa Pa đang có trên 1.000 con trâu, bò phải sơ tán xuống vùng thấp tránh rét, chủ yếu ở các xã vùng cao như Sa Pả, Chung Chải và xã Bản Phùng.
Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Tiến Thành, dù đang là ngày nghỉ chủ nhật nhưng trong ngày 24.1, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và lãnh đạo UBND H.Sa Pa đã tổ chức họp khẩn, cử hàng chục đoàn công tác, cán bộ chuyên môn xuống các địa phương hỗ trợ người dân chống rét, bảo vệ đàn gia súc.
Tuyết rơi trắng xóa Mèo Vạc, Đồng Văn
Tuyết rơi trắng xóa các xã Lùng Phìn của H.Đồng Văn; các xã Lũng Pù, Giàng Chu Phìn của H.Mèo Vạc tỉnh Hà Giang từ rạng sáng 24.1 và cho đến 12 giờ trưa, tuyết vẫn rơi, nhiều nơi tuyết phủ dày đến 2 - 3 cm. Chiều 24.1, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Sùng Mí Thế, Phó chủ tịch UBND H.Mèo Vạc, cho biết ông và đoàn công tác của huyện đang đi kiểm tra ảnh hưởng của băng tuyết tại nhiều xã trên địa bàn huyện. “Toàn huyện có khoảng 1.000 ha rau màu và hơn 30.000 con gia súc. Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể những ảnh hưởng của băng tuyết đến hoạt động nông nghiệp của bà con. Nhưng trước đợt rét đậm rét hại này, chúng tôi đã kêu gọi, hướng dẫn bà con cách phòng rét cho trâu bò, lợn gà, giữ ấm cho gia súc, gia cầm”, ông Thế nói.
Thúy Hằng - Lê Nam

Băng tuyết xuất hiện ở Ba Vì, Hà Nội
* Tắc nghẽn các ngả đường đi ngắm tuyết
Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong sáng qua 24.1, nhiệt độ đo được lúc thấp nhất ở khu trung tâm Hà Nội là 6,5 độ C.
Trong khi đó, tại những vùng núi cao, đặc biệt khu vực phía đông Bắc bộ, nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C, băng tuyết xuất hiện khá phổ biến. Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định đợt rét hại trong ngày 24 - 25.1 là kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Từ nay đến Tết Nguyên đán khả năng ít xuất hiện rét hại như đợt này nhưng rét đậm thì có khoảng 3 - 5 đợt nữa, có đợt sẽ trùng đúng Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên đỉnh núi cao ở Vườn quốc gia Ba Vì (H.Ba Vì, Hà Nội) sáng 24.1 đã xuất hiện băng tuyết.
* Từ khoảng 9 giờ sáng cho đến tối 24.1, mặc dù có cảnh sát giao thông điều phối nhưng quãng đường đèo quốc lộ 4D từ TP.Lào Cai lên Sa Pa luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Có đoạn tắc nghẽn hơn 10 km. Dưới trời đông giá rét, lực lượng Công an H.Sa Pa đã phải huy động hết quân số để làm nhiệm vụ, nhưng lượng người đổ lên Sa Pa ngắm tuyết ngày một đông, nên vẫn không thể khắc phục được tình trạng ách tắc.
Anh Đan - Lê Thanh Hiền - Trần Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.