Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn, các tấm biển chỉ dẫn tới nhà vệ sinh gần như không có nên nếu người vào thăm bệnh nhân có “nỗi buồn” cần giải quyết thì tìm WC cũng “đỏ con mắt”. Cô Thanh (nhà ở phố Kim Mã, quận Ba Đình) đến khám ở bệnh viện Xanh Pôn, phàn nàn: “Cả cái bệnh viện lớn thế này, tìm nhà vệ sinh cũng mệt, phải hỏi thăm vài người mới thấy”. Tại Bệnh viện Việt - Đức - nơi có biển chỉ dẫn tới WC dễ dàng thì phải xếp hàng mới đến lượt bởi: “Có mỗi hai cái nhà tiêu mà cái bên kia không hiểu lí do gì lại khóa cửa. Bệnh viện thì nhiều người nên mỗi lần có nhu cầu đành phải chờ hoặc cố nhịn thôi”, chị Lý (nhà ở Gia Lâm, người nhà bệnh nhân khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức) cho biết.
Khi không phải chờ vì đông người, thì có nơi người muốn vào WC lại không dám vào, phải chờ vì... không thấy ai đi ra. Chị Hoa (quê ở Bắc Giang), sau khi đến Bệnh viện Thanh Nhàn kể: “Tôi thấy không có biển đề nhà vệ sinh nam hay nữ, chỉ thấy ghi dành cho bệnh nhân nên chưa dám vào, đành đứng chờ ngoài này”. Tại khu vệ sinh này, người sử dụng chỉ biết khu vệ sinh dành cho nam hay nữ khi họ đi hẳn vào trong.
Ngoài việc không có biển chỉ dẫn đường đi, biển báo khu vực nam hay nữ, tình trạng vệ sinh tại không ít nhà vệ sinh bệnh viện khiến người ta phải ngán ngẩm. Sàn nhà ướt lép nhép nước bẩn, chỗ đi vệ sinh không được quét dọn thường xuyên, gây “ùn tắc”, mùi bốc lên nồng nặc... là những điều dễ thấy ở không ít bệnh viện lớn.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, khu mới xây 11 tầng đưa vào sử dụng chưa được bao lâu nhưng khu vệ sinh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có những nhà vệ sinh mà bồn cầu luôn ứ đọng một thứ nước vàng vàng, bốc mùi khủng khiếp, các sọt rác cũng ứ đọng giấy bẩn mà không hề được dọn đi. Thậm chí có cả bồn cầu hỏng chỉ được che chắn tạm bằng một mảnh túi ni lông để hạn chế người sử dụng. Tuy nhiên, do số người sử dụng WC quá đông và không có chỗ “giải quyết” nên họ cứ “đi” bừa cả vào chỗ bị hỏng với lý do “Làm gì có chỗ để đi!”.
Bác Hường (nhà ở quận Hoàng Mai, người nhà bệnh nhân khoa U bướu, Bệnh viện Bạch Mai) than thở về nỗi niềm WC bệnh viện: “Bần cùng lắm tôi mới dám đi. Khi đi thì phải cẩn thận đeo khẩu trang, có khi còn cố nhắm mắt để đỡ phải nhìn. Chị em trong phòng bệnh vẫn thường tếu táo bảo nhau cố “nhịn” được càng lâu càng tốt!”. Không ít người do ít đến bệnh viện, khi vào tới cửa nhà vệ sinh chỉ kịp thốt lên “kinh quá” rồi vội quay ra. Bác Hoàn (Tổ 14, phường Vĩnh Hưng, Hà Nội) nhăn mặt khi kể lại kinh nghiệm khi được “tham quan” WC bệnh viện: “Mới đến cửa đã ngửi thấy mùi nồng nặc rồi. Phải bịt mũi để đi vào nhưng vào đến nơi thì đúng là cạch đến già không dám vào lần nữa”. Chưa hết. Tại khu vệ sinh trong bệnh viện này, diện tích WC đã nhỏ lại phải chứa thêm đủ thứ. Nào thùng rác, cây lau sàn, chổi quét nhà... Ngoài việc chiếm dụng diện tích, các vật dụng này còn gây ra một cảm giác kinh kinh cho người đi vào khu vệ sinh bởi cây lau nhà “chễm chệ” trên bồn rửa mặt, thùng rác chỉ thấy đầy thêm mà không thấy vơi đi...
Một bất ổn khác là nhà vệ sinh mất vệ sinh không chỉ ảnh hưởng đến những người phải sử dụng nơi này mà còn ảnh hưởng đến cả những người không sử dụng. Chị Ly (nhà ở Hàng Tre) - đến khám ở khu khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Ngồi đây chờ mà mùi nhà vệ sinh cứ xông lên không chịu nổi, phải ra ngoài đứng cho thoáng”.
Quỳnh Chi
Bình luận (0)