Hàng ngàn hộ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì giá cừu rớt thê thảm.
Di chuyển đàn cừu trong mùa hạn - Ảnh: Thiện Nhân
|
Ninh Thuận - trung tâm của nghề chăn nuôi cừu lớn nhất nước - có đàn cừu lên đến 92.000 con.
Ông Nguyễn Sơn ở xã Xuân Hải, H.Ninh Hải (Ninh Thuận), cho biết chưa bao giờ người nuôi cừu gặp khó như hiện nay. Nắng hạn kéo dài, cây cỏ trơ trụi, đàn cừu gần 500 con của gia đình ông Sơn đành phải nhốt lại, nguồn thức ăn chính là cám, rơm khô hòa với ít mật đường. Ông tính, hàng ngày phải chi hơn 400.000 đồng mua thức ăn để “cứu đói” cho đàn cừu.
Bình quân cứ 10 ngày phải bán bớt 4 con cừu để có đủ chi phí tiếp tục duy trì đàn cừu còn lại.
“Đầu năm 2015 giá cừu bình quân từ 80.000 - 110.000 đồng/kg hơi, nay giảm xuống còn phân nửa. Với tình hình này, chắc tôi phải bán tháo đàn cừu chứ không thể chờ đến lúc giá cừu tăng lại”, ông Sơn nói.
Trang trại chăn nuôi cừu của ông Đinh Văn Hòa nằm ở phía đông xã Phước Trung, H.Bác Ái có diện tích hơn 7 ha, bao quanh trang trại là vùng đồi núi, đồng cỏ bao la. Một vị trí để xây dựng trang trại chăn nuôi được xem là lý tưởng. Năm 2007, ông Hòa đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng trang trại, thả nuôi hơn 400 con cừu. Đàn cừu của ông hiện đã tăng lên hơn 1.000 con.
Đầu năm 2015, thấy rừng khô, đồng cỏ cháy, ông Hòa chủ động mua 20 triệu đồng tiền rơm dự trữ cho đàn cừu ăn dặm, giúp chúng vượt qua mùa khô hạn. Theo ông Hòa, nguyên nhân cừu rớt giá do người chăn nuôi không đủ sức lo thức ăn cho cừu trong mùa hạn nên rao bán đồng loạt.
Dù giá thịt cừu bán lẻ, giá các món ăn chế biến từ cừu ở các quán nhậu, nhà hàng không hạ nhưng các thương lái vẫn ép giá người nuôi. “Đã chuẩn bị từ trước nhưng tôi đã ba lần di chuyển đàn cừu đến những địa phương khác tìm kiếm thức ăn, nay vẫn không trụ được. Thương lái mua với giá 35.000 đồng/kg hơi đối với cừu mập; còn cừu ốm thì họ mua 200.000 đồng/con, đành phải chấp nhận bán”, ông Hòa nói.
Giải pháp của nhiều người nuôi cừu hiện nay là: “Bán 1 con cừu giá 800.000 đồng để cứu 10 con cừu còn lại vượt qua đại hạn”.
Theo các hộ chăn nuôi ở Ninh Thuận, mặc dù tỉnh đã công bố thiên tai nhưng đến nay người chăn nuôi vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thức ăn cho đàn gia súc. Ông Nguyễn Hưng, hộ chăn nuôi ở xã Phước Minh, H.Thuận Nam, cho biết gia đình ông phải qua cánh đồng xã Phước Hậu (H.Ninh Phước) mua cây bắp tươi để cứu đàn cừu 600 con đang có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Ở xã Phước Hậu hiện có một số hộ dân chủ động nguồn nước từ giếng khoan, đã gieo trồng cây bắp lai xanh tốt. Khi cây bắp được 2 tháng, người chăn nuôi đến mua với giá 3.500.000 đồng/1 sào (1.000 m2), cắt về cho cừu ăn.
“Cứ 2 tuần, đàn cừu ngốn hết 1 sào bắp tươi nhưng để cứu đàn cừu qua mùa hạn chúng tôi phải cố”, ông Hưng nói.
Ông cũng cho biết từ đầu mùa hạn đến nay, nhiều cán bộ xã đến trang trại thống kê đàn gia súc bị ốm, chết nhưng chưa thấy nhà nước có kế hoạch gì hỗ trợ thức ăn cho đàn gia súc.
Hiện đã có khoảng 1.500 gia súc (chủ yếu là cừu) ở các trang trại chăn nuôi ở Ninh Thuận bị chết do thiếu thức ăn và nước uống.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 9.6, sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận công bố thiên tai (hạn hán), tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung thống kê, lên kế hoạch hỗ trợ thức ăn cho gia súc, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp… giúp người dân vượt qua đại hạn.
Bình luận (0)