Không ai có lỗi ?

12/06/2013 02:33 GMT+7

Ngày 10.6, Bộ Giao thông vận tải đã phải họp khẩn về an toàn giao thông, kiểm điểm trách nhiệm cụ thể từng đơn vị, đề ra giải pháp để ngăn chặn tai nạn. Quả thực, cuộc họp này là rất cần thiết vì số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là xe khách, liên tục xảy ra trong những tháng gần đây.

Chỉ riêng tại địa phận tỉnh Khánh Hòa đã liên tục xảy ra 2 vụ tai nạn thảm khốc. Vụ thứ nhất vào ngày 8.3, hai xe khách tông nhau khiến 12 người thiệt mạng và gần 60 người bị thương. Đến ngày 7.6, xe khách tông vào vách đá làm 7 người thiệt mạng, 22 người bị thương nặng. Mới sáng 9.6, một vụ lật xe cũng thảm khốc không kém ở tỉnh Quảng Nam làm 3 người chết và 30 người bị thương. Điểm sơ qua vài vụ tai nạn trên cũng đủ khiến ai nấy đều phải giật mình.

Thực sự, thời gian gần đây, chất lượng đường bộ và hệ thống biển báo đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hạ tầng tốt mà không quản lý được các hãng xe, tài xế thì làm sao đảm bảo hạn chế hiệu quả tai nạn giao thông!

Theo Nghị định 91 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Giao thông vận tải, tất cả các xe phải được lắp hộp đen ghi tốc độ, hành trình, thời gian làm việc của lái xe để quản lý. Thế nhưng, đến nay liệu tất cả các xe đã được lắp đủ hộp đen chưa và có quản lý chặt chẽ thông qua hộp đen không? Nếu đã lắp đủ và quản lý chặt chẽ thì tại sao vẫn xảy ra tình trạng tài xế chạy quá tốc độ quy định dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Bằng chứng là trong vụ tai nạn ngày 8.3 tại Khánh Hòa, cơ quan công an đã kết luận nguyên nhân là do tài xế chạy quá tốc độ. Ngoài ra, các bến xe có dựa trên thời gian xuất bến và đến nơi của xe khách do mình quản lý để tính xem xe có chạy quá nhanh hay không? Đó là chưa kể lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương quản lý địa bàn như thế nào mà để xảy ra tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu? Phải chăng tình trạng “mua đường” là có thật?

Tương tự như thế, Điều 65 của luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”, nhưng liệu rằng các tài xế và hãng xe đã thi hành đúng như vậy? Hiện nay, hầu hết các xe khách đường dài đều chỉ có một tài xế chính và một tài xế phụ. Như vậy, có bao giờ cơ quan chức năng làm một phép tính đơn giản là nếu chạy đúng tốc độ cho phép và với những tuyến đường dài cả ngàn cây số thì liệu số lượng tài xế như trên có đảm bảo. Đó là chưa kể đến nhiều bất cập khác mà dư luận từng đề cập: tài xế chưa đủ tuổi, xe không đảm bảo kỹ thuật...

Thế nhưng, hầu hết các báo cáo của những ngành liên quan đến an toàn giao thông thì thường chỉ có nội dung “tốt nhiều hơn xấu”. Như vậy, chúng ta không thiếu luật, không thiếu quy định mà vấn đề là hiệu quả thực thi. Chính vì thế, nếu họp hành nhưng không đưa ra được biện pháp cải thiện hiệu quả làm việc của lực lượng công vụ, được chứng minh bằng tình hình thực tế về an toàn giao thông, thì tất cả những quy định kia chẳng để làm gì. Cuối cùng: “ai cũng tốt nhưng tai nạn vẫn liên tiếp”.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.