Trước đó, tại báo Tuổi Trẻ, các bạn là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM của các năm và công dân trẻ tiêu biểu đợt này cùng những bạn trẻ là học sinh, sinh viên, thanh niên đã trao đổi về chủ đề “Sống đẹp - sống có ích”.
Không ai muốn sống nhạt nhòa
Mở đầu buổi thảo luận sôi nổi, anh Đặng Tất Dũng, danh hiệu công dân trẻ 2009 - hiện là nghiên cứu sinh ngành luật tại Anh - cho rằng bất kỳ thanh niên nào cũng có khao khát sống đẹp, sống có ích. Điều quan trọng là tiêu chuẩn, chuẩn mực thế nào là sống đẹp và nó sẽ tùy vào hoàn cảnh của từng người.
Đồng tình với ý kiến này, Nguyễn Đăng Long (ĐH Mở) cho rằng sống đẹp phải do bản thân mỗi người đặt ra chứ không thể có quy chuẩn chung. Mỗi người xuất thân khác nhau, điều kiện xã hội khác nhau thì sẽ tự xây dựng những tiêu chuẩn riêng. Có thể sống đẹp là thích đi làm công tác xã hội, tập hợp lại để đi làm tình nguyện, theo Long, chứ không nhất thiết “sống đẹp” để được tuyên dương, ngưỡng mộ.
Còn với Phan Khương (sinh viên Học viện Hành chính quốc gia), để sống đẹp và có ích phải có trách nhiệm và biết tự trọng. Mỗi người phải có trách nhiệm với công việc và biết tự trọng để hoàn thiện bản thân mình hơn “vì văn hóa biết xấu hổ đang bị mai một”. Ở góc độ là một học sinh, Nguyễn Lê Minh Nguyệt (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho rằng lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường cần học tốt để bố mẹ có thể hãnh diện về mình, tham gia các hoạt động trong trường để đóng góp một phần nhỏ công sức của mình đã là những việc làm có ích.
“Cho dù có sự khác nhau về cách nghĩ và tiêu chuẩn nhưng phải có mẫu số chung. Tôi nghĩ người sống đẹp, sống có ích phải có ba yếu tố: sống có lý tưởng sẽ là mũi lái để con thuyền của mình đi đến đích; sống nhân ái có trái tim ấm áp với mọi người để có đủ sức cho bạn bao dung với sự sai lầm của người khác, chia sẻ với mọi người; sống có mục tiêu rõ ràng làm cho cuộc sống trở nên thú vị, cảm giác cuộc sống có ích”, Tất Dũng gói lại vấn đề theo cách nhìn của mình và cho rằng: “Hãy trao niềm tin cho người khác để có nhiều người cùng sống đẹp”.
Dù chỉ mới 10 tuổi nhưng vận động viên cờ vua Nguyễn Anh Khôi (học sinh lớp 5) - được tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2012 - cũng bày tỏ: “Em nghĩ sống có ích là sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Cuộc đời mình phải có mục tiêu. Không ai muốn mình sống cuộc đời nhàm chán cả. Em sẽ cố gắng học tập tốt, biết nhận lỗi và sửa sai”.
|
Động lực từ danh hiệu
Nghiên cứu sinh Đặng Tất Dũng chia sẻ: “Danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu là động lực mà cũng có phần tạo áp lực để tôi phấn đấu nhiều hơn. Đã gánh trên vai danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM buộc mình phải tạo áp lực để phấn đấu hơn nữa, không bằng lòng với hiện tại, giậm chân nghĩa là thụt lùi”.
Còn với bạn Nguyễn Xuân Nghĩa, chàng trai dù không có đôi tay nhưng đã làm nhiều người khâm phục bởi tinh thần lạc quan, học hỏi không ngừng và vừa tốt nghiệp đại học. Nghĩa là một trong những điển hình vinh dự nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2007. Hiện anh đang làm tại Quận đoàn 8. Nghĩa tâm sự: “Tôi thấy mình càng phải sống có trách nhiệm hơn, bởi lẽ mình đã góp phần vào làm một đại sứ nhân lên những điều tốt đẹp đến mọi người xung quanh. Có lẽ danh hiệu phần nào là động lực và cũng tạo áp lực riêng cho tôi khi luôn tự nhắc nhở bản thân phải xây dựng một hình mẫu người thanh niên sống đẹp”.
Tại buổi tọa đàm, những bạn trẻ tham dự đã “đặt hàng” với tổ chức Đoàn - Hội cần tìm nhiều hơn nữa phương thức để nhiều bạn trẻ biết đến những tấm gương sống đẹp. Cùng suy nghĩ, hai điển hình Đặng Tất Dũng và Nguyễn Xuân Nghĩa đều cho rằng việc nhân rộng những điển hình đã từng nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu trong giới trẻ là rất cần thiết, cần làm cho các giá trị đẹp lan tỏa vì “xây cái tốt để đẩy lùi cái xấu”.
Theo KIM ANH - PHI LONG \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)