Không an toàn

03/08/2016 05:34 GMT+7

Ngày nay, con người phải đối mặt với sự nguy hiểm đến từ không gian mạng. Trong thời đại số, không có bất cứ nơi nào an toàn kể cả bạn đang trú ẩn trong căn nhà kiên cố của mình. Dần dà, chúng ta phải học cách phòng thủ, chấp nhận đương đầu những mối đe dọa vô hình, âm mưu mờ ám và biến cố rủi ro ập đến bất cứ lúc nào.

Cuộc tấn công vào hệ thống mạng thông tin của Hãng hàng không quốc gia VN vào chiều 29.7 đã biến những bất an “lờ mờ” thành mối nguy hiểm có thật. Tuy thiệt hại xảy ra được hạn chế ở mức thấp nhưng an toàn thông tin đang đứng trước thách thức mới so với những mối đe dọa truyền thống.
Mặc dù nhóm hacker 1937CN Team “miễn bình luận” về cáo buộc tấn công nhưng thông điệp mang màu sắc chính trị tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất chiều 29.7 cho thấy mối đe dọa về an ninh và gián điệp công nghệ đến từ Trung Quốc rất lớn.
Cùng chung mối đe dọa này nên các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan, Úc, Canada... tẩy chay sử dụng thiết bị công nghệ và dịch vụ mạng của các hãng viễn thông Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.
Năm 2015, Báo Thanh Niên đã có một loạt bài cảnh báo thực trạng Huawei đang chiếm lĩnh thị phần viễn thông và nguy cơ “Trojan Horse” nằm im lìm chờ thời điểm thích hợp, nhưng việc cảnh báo đó rơi vào im lặng. Huawei hợp tác với các đối tác VN mở rộng thị trường IT/Telco và smartphone ngày càng phát triển.
Tại VN, Huawei bắt đầu vào lĩnh vực viễn thông từ năm 2000 và đã đạt những thành công lớn khi giành được phần lớn thị phần thiết bị tổng đài, mạng lõi, mạng quang đô thị, trạm thu phát sóng, hệ thống tính cước… với chiến lược và chiến thuật về giá, tín dụng trả chậm, cách tiếp cận các địa bàn linh hoạt.
Công ty cổ phần tin học viễn thông bưu điện - CTIN là đối tác của Huawei ở VN trong lĩnh vực viễn thông di động, là đối tác chiến lược trong thị trường doanh nghiệp, Chính phủ và là 1 trong 2 đối tác tại khu vực Đông Nam Á được hãng trao chứng chỉ “Global Silver Engineering Partner” của Huawei.
Giữa lúc người dân lo lắng, cộng đồng mạng xôn xao, chúng ta cần tỉnh táo để nhìn nhận ra “lỗ hổng” của luật pháp, cơ chế và cả lợi ích của doanh nghiệp so với lợi ích quốc gia dân tộc để kịp thời điều chỉnh nhanh chóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.