Không bao giờ bỏ lỡ thông tin quan trọng của gia đình nhờ việc này…

Thanh Nam
Thanh Nam
29/06/2024 11:09 GMT+7

Nhiều người trẻ khoe dẫu sống xa nhà nhưng vẫn có thể cập nhật thường xuyên và đầy đủ những thông tin quan trọng trong gia đình…

"Nhà mình cũng… chuyển đổi số"

Nguyễn Thị Lệ Hằng (27 tuổi), làm việc ở 34 Hoa Cúc, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết gia đình có 6 thành viên. Ngoài bố, mẹ, Hằng có 2 người anh đang tại Thái Nguyên và 1 chị ở Úc.

Trước đây, mỗi lần nhớ người thân, Hằng gọi điện thoại cho từng thành viên. Nhưng kể từ khi lập nhóm Zalo gia đình, mỗi lần video call (chức năng cho phép điện thoại thông minh truyền tải trực tiếp cả âm thanh và hình ảnh tới người khác), Hằng có thể thấy mọi người. Những dịp này, các thành viên trong gia đình cũng chuyện trò, thăm hỏi sức khỏe của nhau.

Theo Hằng, việc tạo ra nhóm trò chuyện chung trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Messenger, Viber… rất tiện lợi.

Câu chuyện của nhà Hằng không ngoại lệ. Những nhóm trò chuyện được tạo ra, tập hợp các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên phổ biến.

Đặng Thanh Tường, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nói: "Nhà mình cũng… chuyển đổi số. Không còn liên lạc với nhau bằng những cuộc gọi điện thoại nữa. Thay vào đó, vào mỗi cuối tuần, cả nhà lại hẹn nhau "lên mạng", tức vào Zalo để video call với nhau".

Chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, kể bản thân anh cũng thường xuyên "họp gia đình" qua những nhóm trò chuyện trên mạng xã hội. Từ nhóm "phía nội" với 28 thành viên cho đến "phía ngoại" gần 40 người và cả nhóm gia đình nhỏ của anh với 4 thành viên (cùng vợ và 2 con đang học ở bậc THPT).

Anh Thịnh nói: "Thời gian trước, mạng xã hội chưa phát triển. Câu chuyện người lớn tuổi sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế. Khi ấy, nhiều mạng xã hội chưa có tính năng tạo nhóm. Tuy nhiên vài năm gần đây, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và biết sử dụng. Hơn nữa, dường như ai cũng có tài khoản Facebook, Zalo cá nhân. Các mạng xã hội cũng mở thêm nhiều tính năng thú vị. Để rồi, những nhóm trò chuyện gia đình được tạo ra nhằm kết nối mọi người với nhau".

Không bao giờ bỏ lỡ thông tin quan trọng của gia đình nhờ việc này…- Ảnh 1.

Các thành viên trong gia đình lập nhóm để trò chuyện với nhau trên Zalo, nhằm kết nối tình cảm

THANH NAM

Nhiều "điểm cộng"

Theo anh Thịnh, việc các thành viên trong gia đình cùng trò chuyện trong nhóm với nhau có nhiều "điểm cộng". Chẳng hạn, con cái có thể quên ngày sinh nhật của bố, mẹ hoặc có nhớ cũng ngại chúc mừng. Nhưng qua các nhóm Zalo, Messenger, Viber, con cái có thể gửi lời chúc mừng ý nghĩa đến bậc sinh thành. "Khi một thành viên chúc mừng, người khác sẽ thấy và bày tỏ theo. Để rồi từ đó, tình cảm của các thành viên trong gia đình dần trở nên gắn kết hơn", anh Thịnh cho biết.

Anh Đặng Lê Hoàng Quân (32 tuổi), ngụ tại 221 Phùng Văn Cung, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nói: "Mình đi làm ở trong thành phố. Nhưng khi gia đình ở quê tổ chức cúng giỗ hoặc tiệc tùng thì mình đều biết. Bởi lẽ, mọi người nhắc nhau trong nhóm Zalo. Ngoài ra, hình ảnh của mọi người cũng thường được gửi vào nhóm. Nhờ vậy, có thể lưu giữ để mỗi khi nhớ lại mở ra xem".

Chị Hồ Thị Thu Nhi (30 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (tỉnh Đồng Nai), cho hay chị là thành viên của 3 nhóm Zalo với những cái tên dễ thương: Gia đình là số 1 (gồm các thành viên trong nhà), Gia đình ngoại (gồm những người là anh, chị, em bạn dì), Nhà nội (gồm các thành viên phía nội).

"Nhờ là thành viên của nhóm trò chuyện gia đình trên Messenger, nên khi có thông tin gì mới, chẳng hạn: con cháu trong dòng họ bị tai nạn, bị bệnh, qua đời… hoặc những dịp có thành viên tổ chức đám cưới, sửa nhà, xây mộ… thì đều biết. Tôi nghĩ rằng, khi sử dụng mạng xã hội, nên lập ra những nhóm trò chuyện và rủ các thành viên trong gia đình tham gia", chị Nhi nói.

Anh Lê Thanh Mỹ (32 tuổi), đang làm việc ở TP.Toronto, Canada, nói rằng từ khi giao tiếp trực tuyến trên nhóm trò chuyện gia đình đã vơi đi nỗi nhớ nhà và người thân.

Theo anh Mỹ, nhiều người bạn đồng hương của anh, hầu như đều tạo ra những nhóm Zalo, Messenger để các thành viên trong gia đình tụ họp, chuyện trò cùng nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.