Kể cả chuyện động trời động đất như xây cầu dài cả nghìn mét xuyên vùng lõi di sản Tràng An, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng bảo không biết. Rồi là chuyện xây dựng tượng Bà Chúa xứ to đùng trên núi mà An Giang cũng bảo không biết luôn.
Cái “không biết” sao mà lạ quá!
Ừ thì có thể không biết chuyện nhỏ thường ngày trên địa bàn mình quản lý là điều bình thường. Chứ mà không biết chuyện xây những công trình to đùng vật vã, thi công kéo dài cả năm, chuyên chở vật tư rần rần mới làm được thì rõ là khó tin.
Nếu dư luận và báo chí không lên tiếng, thì chắc cái sự không biết này tồn tại đến bao giờ, gây ra hệ lụy ngắn, dài ra sao. Những cái công trình oái oăm mà lồ lộ đó nếu có qua mặt chính quyền các cấp thì cũng qua mặt ở thời điểm khởi công thôi chứ! Qua mặt chính quyền gì mà qua mặt đến cả năm trời như vậy.
Thôi cứ để người dân nói thẳng ra điều họ nghĩ trong đầu về cái sự “không biết” đầy phi lý này! Rằng chỉ có thể, hoặc là chính quyền địa phương không kiểm soát nổi địa bàn và phạm vi quản lý của mình. Hoặc không như thế thì, chính quyền đã cố tình làm ngơ. Nếu sự việc lỡ vỡ ra thì chỉ việc nhận ngay lỗi nhẹ nhàng là “buông lỏng quản lý”.
Nói thẳng ra thôi, rằng đã đến lúc thứ lý lẽ “không biết coi như không có tội” phải loại bỏ khỏi não trạng của các nhà quản lý, nhất là ở cấp cơ sở.
Đừng để câu “Tri, bất tri, vi tri” (biết, mà không biết, đó là biết) trở thành một chiêu thức “đen” trong quản lý.
Bình luận (0)