Bộ luật Lao động mới (có hiệu lực từ 1.5.2013) lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc. Mức xử phạt hành vi này từ 50-75 triệu đồng vừa được Bộ LĐ-TB-XH công bố trong dự thảo nghị định đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt trên thiếu căn cứ và khó thực thi.
|
Tổ chức Lao động quốc tế yêu cầu
Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết QRTD chỉ là một trong những hành vi được đưa ra trong dự thảo Nghị định “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động", đang lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên website của Bộ LĐ-TB-XH.
Theo ông San, hành vi QRTD mới được đưa vào bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1.5 tới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa nào về hành vi này. “Hiện nay, quốc tế có vấn đề đó và Tổ chức Lao động quốc tế yêu cầu VN phải đưa vào luật. Vừa rồi, trong quá trình soạn thảo luật Lao động cũng có một số định nghĩa đưa ra, nhưng chưa thỏa mãn vì còn vướng. Mặc dù đã tham khảo quốc tế, nhưng chuyển hóa vào VN rất khó. Ở các nước phát triển, có thể quan niệm về QRTD khác VN, nên có nhiều hành vi đưa ra không phù hợp với VN. Do chưa có định nghĩa cụ thể nên mức xử phạt được xây dựng căn cứ vào luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Mức cao nhất ở lĩnh vực này là 75 triệu đồng đối với cá nhân, còn với tổ chức mức xử phạt tăng lên gấp đôi”, ông San nói.
Một thành viên của tổ biên tập cho biết thêm, QRTD là một điều mới mẻ tại VN. Luật lao động quy định đây là hành vi nghiêm cấm, tức là không được vi phạm. Do đó, tổ biên tập mới dự kiến đưa mức xử phạt 75 triệu đồng. Hơn nữa, trong luật hình sự chưa có hành vi QRTD nên chúng tôi đưa vào mức tối đa. Còn căn cứ vào đâu, cơ sở như thế nào phải chờ thực tế. Nếu thấy không phù hợp sẽ phải chỉnh”, vị này nói.
|
“Chưa gì đã đưa ra mức xử phạt”
Là người thực hiện báo cáo nghiên cứu đầu tiên về QRTD tại nơi làm việc ở VN, thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng (Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB-XH) khá bất ngờ về mức phạt đang được lấy ý kiến. Theo bà Hồng, QRTD tại nơi làm việc là một thách thức mang tính xã hội cần được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, các bước thực hiện phải làm từng bước một, chứ không thể đột ngột đưa ra mức xử phạt ngay.
“Các nước khác, trước khi đưa vào khung hình phạt, họ có định nghĩa, họ có gợi ý đưa vào quy chế làm việc, thỏa ước lao động tập thể để tự người chủ và tổ chức công đoàn thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp vi phạm, sẽ báo cáo để người sử dụng lao động cảnh báo chấm dứt hành vi đó. Nhiều khi chỉ cần nhắc nhở sẽ chấm dứt được ngay không cần phải ra tòa, không phải xử phạt. Mục tiêu của người ta là bảo vệ quyền của người phụ nữ, hoặc người bị quấy rối, tạo môi trường làm việc tốt mới là quan trọng. Đằng này ở VN, chưa gì đã đưa ra mức xử phạt ”, bà Hồng chia sẻ.
|
Theo bà Hồng, quy định này không có căn cứ vì thiếu định nghĩa, bước quan trọng định hướng cụ thể. Sẽ là quá nặng khi phạt QRTD bằng lời nói, nhưng 75 triệu đồng lại là quá nhẹ với hành vi cưỡng dâm. Nghe thì ghê gớm, trầm trọng, nhưng nạn QRTD vẫn xảy ra hằng ngày. Hoặc nếu không khéo quy định này còn bị các bên lạm dụng lẫn nhau.
Đồng quan điểm trên, luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân), cho rằng khoan hãy bàn việc mức phạt, phải định nghĩa và phải có quy phạm điều chỉnh như thế nào là QRTD? Ông Triển bày tỏ: “Anh em lâu ngày gặp nhau, hồ hởi, ôm vai, bắt tay, ôm hôn nhau mà bị người khác tố cáo thì đấy cũng là QRTD thì mệt lắm. Phải nêu được hành vi như thế nào để từ đó đối chiếu theo. Hành vi như thế nào thì xử phạt mức bao nhiêu chứ không thể đưa ra mức chung chung. Thích thì phạt 50 triệu, không thích thì phạt 75 triệu. Nếu không có mức cụ thể, hành vi cụ thể, bằng chứng cụ thể, không khéo người ta lợi dụng để làm rối nội bộ, mất đoàn kết cơ quan và trả thù lẫn nhau”.
Hành vi nào rõ mới phạt được
Theo ông Triển, khi đưa ra văn bản cần cân nhắc tổng thể cả về mặt phương diện xã hội, phương diện pháp luật và phương diện quan hệ đạo đức. Còn mức nào đưa ra về mặt hình sự, điều đấy cũng được quy định nếu không dễ dẫn đến oan sai, làm mất danh dự, uy tín, không chỉ bản thân họ mà còn cả dòng họ. “Quan điểm của tôi, trước hết phải ban hành quy chế đạo đức cán bộ CNVC đối với cơ quan quản lý nhà nước và đạo đức của người lao động trong các doanh nghiệp và tổ chức khác. Nên ban hành quy chế đó để mọi người ứng xử với nhau có văn hóa để tránh trường hợp lạm dụng. Việc đưa ra quy định xử phạt QRTD công sở là phạm vi hơi nhỏ. Nên chăng đưa quy định giữ gìn an ninh trật tự trong công sở thì khái niệm rộng hơn. QRTD là một phần rất nhỏ trong nếp sống đạo đức của cán bộ công nhân viên chức và người lao động”, ông Triển góp ý.
Ông Đặng Đức San cho hay, nghị định vẫn đang trong quá trình soạn thảo và rất cần các ý kiến tham vấn của nhân dân. Dự kiến, đầu tháng 3 tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia. “Các hành vi xử phạt sẽ phải cân nhắc, mức phạt thế nào, hành vi vi phạm mức độ thường, mức độ chung, có các tình tiết giảm nhẹ thì phạt nhẹ, tăng nặng thì phạt nặng. Tinh thần nghị định xử phạt là hành vi nào phải rõ mới phạt được”, ông San nói.
Định nghĩa năm 1992 Ủy ban về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống phụ nữ của LHQ trong khuyến nghị chung số 19 năm 1992 định nghĩa: “QRTD bao gồm hành vi tình dục không được mong muốn như đụng chạm và tán tỉnh về thể xác, những bình luận mang sắc màu gợi dục, đưa cho xem sách báo khiêu dâm và bày tỏ đòi hỏi tình dục, dù bằng lời nói hay hành động. Hành vi như vậy có thể là hành vi làm nhục và có thể tạo thành một vấn đề về an toàn và sức khỏe; hành vi này là phân biệt đối xử khi một phụ nữ có những lý do hợp lý để tin tưởng rằng sự phản đối của người phụ nữ đó sẽ gây bất lợi cho mình liên quan tới việc của mình, bao gồm cả tuyển dụng và thăng tiến hoặc khi hành vi này tạo ra một môi trường làm việc thù địch”. |
50 quốc gia đã trực tiếp cấm Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có khoảng 50 quốc gia đã trực tiếp cấm QRTD trong hệ thống pháp luật của mình. Trong đó, QRTD bị cấm theo luật Hình sự ở một số nước. Ít nhất 8 hệ thống tư pháp ở cấp quốc gia đã ban hành các điều khoản hình sự, gồm: Bangladesh, Costa Rica, Mauritius, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Cộng hòa thống nhất Tanzania và Venezuela. Ngoài ra, cấm QRTD cũng được đưa vào pháp luật quốc gia về quyền con người tại 3 nước: Canada, Fiji và New Zealand. Những luật này cấm quấy rối trong một loạt lĩnh vực giáo dục, nhà ở, nhưng đề cập cụ thể đến QRTD tại nơi làm việc. |
Thu Hằng
Bình luận (0)