Không cần chặt cây, nơi đây dùng 'cách hay' bảo vệ cây trăm năm và người dân

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
05/06/2020 10:33 GMT+7

Sau sự cố cây phượng ngã đè chết học sinh ở TP.HCM và khắp nơi chặt cây xanh vì lo ngại tai nạn tương tự , nhìn về xứ Huế và câu chuyện ứng xử với cây xanh ở cố đô đáng để cả nước suy ngẫm.

Ở TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), cả đơn vị quản lý cây xanh và người dân đều có cách làm khoa học để bảo vệ cây xanh.

"Tuyệt chiêu" bảo vệ cây xanh hàng trăm năm tuổi và bảo vệ cả người dân của TP.Huế

Một cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm hiện hữu trong sân trường THCS Nguyễn Chí Diểu  (TP.Huế) có hai nhánh to lớn ngã về hai phía, tỏa bóng mát bao trọn gần hết khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông. Thế nhưng, dưới gốc cây, nhà trường vẫn đặt ghế đá cho các em học sinh ngồi nghỉ ngơi, vui chơi trong giờ giải lao.

VIDEO: Tuyệt vời cách TP.Huế bảo vệ cây xanh hàng trăm năm tuổi và bảo vệ cả người dân

Hàng chục năm qua, khi thấy cây có dáng không thẳng đứng, nhà trường đã xây dựng giá đỡ bằng bê tông vững chắc.

Cây cổ thụ hàng trăm tuổi tỏa bóng mát gần hết sân trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP.Huế) được làm hệ thống giá đỡ bê tông vững chắc

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Hệ thống cột sắt chống đỡ cây xanh trên đường phố Huế

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Chuyện những chiếc giá đỡ như vậy không phải chỉ có ở trường THCS Nguyễn Chí Diểu mà trên những tuyến đường, công viên ở Huế, những cây cổ thụ già có thế nghiêng đều được lắp đặt hệ thống giá đỡ vững chắc. Từ hàng long não già ở đường Lê Lợi, đến hàng phượng vỹ trên đường Nguyễn Huệ hay trong nội thành... đều được Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho lắp đặt hệ thống giá đỡ bằng sắt vững chắc nếu cây có thế nghiêng, có nguy cơ ngã.
Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, cho biết: "Để bảo tồn cây xanh đường phố, từ lâu, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã đánh giá hiện trạng và có những giải pháp cụ thể đối với từng cây. Có những cây cũng có thể cắt mé, tạo tán, tạo sự cân đối hạn chế sự ngã đổ và tạo cảnh quan đô thị. Có những cây phải có những biện pháp kỹ thuật như chống đỡ bằng hệ thống cọc sắt hoặc cọc gỗ để đảm bảo an toàn khi có mưa gió và có những cây phải phòng trừ sâu bệnh, cắt mé cành khô, gỡ phụ sinh tạo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt".
Đối với cây xanh trong các trường học và công sở, hiện nay Trung tâm Công viên Cây xanh Huế không quản lý nhưng trung tâm cũng phối hợp với các trường học khảo sát, đánh giá hiện trạng và tư vấn các trường cũng như báo cáo UBND TP đề xuất các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn.

Cây thông gần 200 năm tuổi ở Thế Tổ Miếu, Đại nội Huế được làm giàn sắt chống đỡ vững chắc

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Truyền thống trân trọng cây xanh của người dân xứ Huế không phải mới có từ bây giờ mà đã được hình thành từ bao đời nay. Từ cây xanh trong Hoàng Cung đến cây xanh ở các làng quê, vườn nhà đều được chăm sóc, cắt tỉa và chống đỡ để bảo vệ sự sinh trưởng và phát triển xanh tốt.
Nhiều du khách vào tham quan Hoàng cung của triều Nguyễn tại Huế đã rất ấn tượng và vô cùng thích thú khi được tận mắt chứng kiến một cây thông già có hình dáng ngã đổ khẳng khiu tại sân vườn di tích Thế Tổ Miếu.
Tương truyền, cây thông này do chính tay vị vua thứ 2 của triều Nguyễn là vua Minh Mạng (1791 - 1841) trồng và chăm sóc khi cho xây dựng Thế Tổ Miếu. Để bảo vệ cây thông có tuổi đời gần 200 năm này, từ lâu người ta đã làm giàn đỡ kim loại bảo vệ cây.
Đây là một ví dụ điển hình của việc người Huế ứng xử rất nhân văn với cây xanh đáng được nhiều nơi suy ngẫm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.