Sao quá dễ
Một khi đã làm “vệ sĩ” chuyên nghiệp thì dù có hợp đồng dài hạn hay thời vụ cũng cần phải đào tạo, huấn luyện kỹ theo quy định. Nếu chỉ cần xem CMND rồi bố trí đi làm ngay thì quá dễ dãi. Giả sử nhân viên bảo vệ đó có tiền án tiền sự, nghiện ngập ma túy gây ra hậu quả rồi bỏ trốn thì ai chịu trách nhiệm? Một đơn vị thuê dịch vụ bảo vệ là họ cần sự uy tín, chuyên nghiệp của công ty cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, công ty bảo vệ lại đưa người không qua đào tạo thì thật là tắc trách.
Trần Minh Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Cần quy rõ trách nhiệm
Bảo vệ là một nghề đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh xã hội nên cần phải quản lý đặc biệt. Hơn nữa, làm nghề bảo vệ sẽ được sử dụng các công cụ hỗ trợ nên càng phải quản lý nghiêm ngặt. Thực tế pháp luật VN cũng đã đưa ngành nghề này vào danh mục kinh doanh có điều kiện và có những quy định hết sức nghiêm ngặt nhưng tại sao có nhiều công ty bảo vệ lại có thể phớt lờ quy định đó? Thiết nghĩ, vấn đề là do khâu quản lý nhà nước chưa tốt nên mới có chuyện để cho một số công ty bảo vệ tự tung tự tác. Vì vậy, cần phải quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nếu để xảy ra các vụ việc xấu.
Ngô Quang Cường (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Chủ yếu bán… đồng phục
Công ty vệ sĩ mọc lên như nấm sau mưa, và chiêu thức quen thuộc mà họ sử dụng là tuyển người rất dễ dàng, vội vã để bán được… đồng phục. Với mức lương thấp, thời gian làm việc kéo dài cùng các áp lực khác sẽ khiến người lao động nhanh chóng bỏ cuộc, bỏ luôn cả đồng phục mua với giá rất cao. Vì vậy, các bạn trẻ cần việc làm nên cảnh giác với chiêu trò này. Nên tìm hiểu kỹ công ty trước khi xin việc để không vừa mất tiền, vừa không có việc làm.
Vũ Thái Bảo (TP.Tân An, Long An)
Nguyễn Huy Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Bùi Minh Khang (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
T.T - Sơn Hải (thực hiện)
|
Bình luận (0)