|
Tướng Từ năm nay 80 tuổi và đã phục vụ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ năm 16 tuổi. Ông hiện đang là cố vấn cho Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc.
“Tất nhiên là con voi không thể tự biến thành con thỏ được nữa như cái cách mà con thỏ biến thành con voi. Nhưng voi thì không ăn thịt các chú thỏ. Nguy cơ duy nhất có thể xảy ra đó là nó giẫm lên thỏ”, ông Từ nói khi cùng trò chuyện với BBC tại một quán cà phê ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
BBC bình luận đây là một thông điệp mà tướng Trung Quốc muốn nhắn gửi cho Philippines nhằm ám chỉ đến việc Bắc Kinh và Manila đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo tại biển Đông.
Nhưng đối với tướng Từ, tranh chấp đáng báo động hơn hết đối với Trung Quốc đó tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Ông cho rằng Tokyo nên xem xét về thực tế mật độ dân số 2 nước.
“Dân số Trung Quốc gấp 10 lần Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản nên nghĩ rằng Trung Quốc mạnh gấp 10 lần nước này”, tướng Trung Quốc cảnh báo.
Được biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết với các đồng minh trong khu vực sẽ giữ vững chiến lược “xoay trục về châu Á”, vốn là các điều khoản an ninh quy định về việc thay đổi cán cân lực lượng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Thay vì chia lực lượng theo tỷ lệ 50-50 đồng đều cho Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, thì mục tiêu của chiến lược nói trên là 60-40 nghiêng về châu Á - Thái Bình Dương, theo BBC.
“Họ sẽ thấy sao nếu chúng tôi đem 60% quân lực lên thuyền rồi cho tàu đi qua đi lại trước cửa nhà họ?”, tướng Từ đặt vấn đề.
“Chúng tôi muốn có được sự bình đẳng vì chúng tôi không muốn bị bắt nạt. Chúng tôi cần thêm 30 năm nữa”, ông cho hay.
Giới phân tích cho biết điều trớ trêu là kể từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gặp gỡ Tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi năm 1972, sự thống trị về quân sự của Mỹ tại châu Á đã mở đường cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, giúp đảm bảo về mặt an ninh để quốc gia châu Á này giàu mạnh lên.
Đó là lúc trước còn thời thế bây giờ đã đổi thay, theo BBC. Với mức ngân sách dành cho chi tiêu quốc phòng khổng lồ và giọng điệu khẳng định chủ quyền hùng hổ từ Chủ tịch Tập Cận Bình cho đến các thuộc cấp trở xuống, Bắc Kinh đang cho thấy họ muốn thay đổi luật lệ và vẽ lại bản đồ thế giới, hãng tin Anh bình luận.
Trung Quốc đã “bừng tỉnh”?
|
“Giống như lời Napoleon từng nói: Khi Trung Quốc thức tỉnh, họ sẽ làm rung chuyển cả thế giới. Và người Mỹ sẽ không thể đánh bại họ. Chúng tôi đã tỉnh giấc và chúng tôi đang lấy lại sức mạnh của mình”, tướng Từ nói.
Đi một chiếc ủng lội nước và đội nón bóng chày, ông Ôn Dư Chuẩn, một người Trung Quốc cũng trạc tuổi tướng Từ, cố đẩy mô hình tàu sân bay dài khoảng 12 m trôi ra biển Đông.
“Tôi đã làm cái tàu này cho cháu trai của tôi”, ông Ôn giải thích khi đang sửa một mô hình máy bay chiến đấu trên mô hình tàu sân bay.
“Thanh Đảo là nhà của chiếc tàu sân bay của Trung Quốc (Liêu Ninh) nhưng chúng tôi không được tới gần để ngắm nó”, ông lão hưu trí này nói.
Ở tuổi 80, ông Ôn cho biết ông sẽ không sống đủ lâu để được thấy Trung Quốc trở thành một cường quốc trên đại dương, nhưng ông hi vọng cháu mình sẽ được chứng kiến điều đó.
Cùng với chính quyền Trung Quốc và nhiều đồng hương khác, 2 ông lão, tướng Từ và ông Ôn, đều đang mơ về ngày Trung Quốc trở nên đủ hùng mạnh để có thể đảm bảo những tuyên bố chủ quyền, trong đó có những tuyên bố chủ quyền phi lý, của mình.
Hoàng Uy
>> Ấn Độ không cho tướng Trung Quốc vào thăm buồng chỉ huy tàu chiến
>> Tướng Trung Quốc mượn cớ đòi xây cảng ở Trường Sa
>> Tướng Trung Quốc kêu gọi gây chiến để 'thử lửa
>> Tướng Trung Quốc 'nể' tàu ngầm hạt nhân Mỹ
>> Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp Thủ tướng Trung Quốc
Bình luận (0)