Khủng hoảng niềm tin
Là người từng nhiều năm gắn bó với những thăng trầm của TTCK, bà Vũ Thị Kim Liên - Phó chủ tịch Ủy ban CKNN, thừa nhận TTCK đang rơi vào thời kỳ vô cùng khó khăn khi chỉ số VN-Index giảm sâu, lòng tin nhà đầu tư bị khủng hoảng nặng nề. "Có người hỏi tôi sao TTCK thê thảm thế? Tôi nói: CK chỉ là tấm gương phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế. Cái gương này hay có xu hướng phóng đại. Người xấu làm cho xấu hơn, đẹp thì đẹp hơn". Theo bà Liên, trong tình hình hiện nay, khi lòng tin không còn, lãi gửi tiết kiệm cao hơn rất nhiều so với lợi suất bình quân các DN niêm yết, sự hấp dẫn của vàng... khiến CK đang bị thua thiệt, bị bỏ rơi.
|
TTCK đang rơi vào thời điểm cực kỳ nguy hiểm, được ví như một cái “chợ cóc” hàng hóa chất lượng kém, rẻ như mớ rau nhưng không ai mua. Điều đáng quan ngại hơn, được ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban GSTCQG dự báo khi mà sắp tới hàng loạt quỹ đầu tư được thành lập rầm rộ vào giai đoạn 2005-2007 sẽ phải đóng lại (tuổi thọ mỗi quỹ từ 5-8 năm). Dự kiến lượng vốn rút ra khi các quỹ này khóa sổ lên tới 30.000 tỉ đồng vào 2012-2013. "Nếu thị trường vẫn như hiện tại - nhà đầu tư không mở thêm quỹ, niềm tin không phục hồi và kinh tế vĩ mô vẫn ảm đạm, CK sẽ vô cùng nguy hiểm", ông Nghĩa nói.
Có lẽ, hy vọng lớn nhất hiện nay của Ủy ban CKNN là Chính phủ sẽ có những chỉ đạo để giải cứu thị trường. Cụ thể, theo bà Liên, để lấy lại niềm tin nơi nhà đầu tư, điều đầu tiên phải ổn định được kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt hạ nhiệt lạm phát để giảm dần lãi suất (LS). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần rà soát lại bức tranh đúng về dư nợ tín dụng đối với TTCK, không nên quy định một mức tiền cho vay hoạt động CK như nhau đối với các tổ chức tín dụng, mà cần phân loại và chỉ hạn chế đối với tổ chức tín dụng không đạt các tiêu chí an toàn.
Ông Dominic Scirven - Tổng giám đốc Dragon Capital, cho rằng cần tăng cường sản phẩm chất lượng cho thị trường, cần có một lộ trình để giảm quyền sở hữu nhà nước tại các DN cổ phần hóa. Thực tế, sở hữu nhà nước cao trên 51% gây ra một số khó khăn trong việc lập kế hoạch hoạt động kinh doanh của các DN. Ngoài ra, theo vị này, cần phải minh bạch thông tin vĩ mô định kỳ đầy đủ như dự trữ ngoại hối, lạm phát.
Cạnh tranh không bình đẳng
Ông Lê Xuân Nghĩa tỏ ra khá bức xúc về sự cào bằng tín dụng, NH khỏe cũng như NH yếu, NH quản trị rủi ro tốt cũng như NH nợ xấu nhiều, đã tạo ra sự mất cân đối, không công bằng, không cạnh tranh trong hệ thống. NHNN áp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung không quá 20%, phi sản xuất không quá 22%/tổng dư nợ... tưởng là siết và thắt được, nhưng thực tế nếu các NH không thực hiện, hoặc lách luật như ủy thác đầu tư thì cũng không thể kiểm soát.
Về LS, theo ông Nghĩa, nguyên nhân vẫn cao là do tổng phương tiện thanh toán (M2) từ đầu năm đến nay tăng quá thấp, chỉ tăng khoảng 3% so với tháng 12.2010, tương đương 78.000 tỉ đồng, nhưng 1/2 trong số này đã bị hút vào trái phiếu chính phủ. Lạm phát kỳ vọng còn tăng cao lên tới 20-21%, tính thanh khoản NH chưa vững chắc, các NH vẫn còn nhìn nhau sợ mất khách hàng.
Tất nhiên thời gian tới, theo ông Nghĩa LS sẽ giảm dần, bắt đầu từ quý 3, do một số yếu tố: LS thị trường liên NH giảm 22% xuống 12%; lãi trái phiếu Chính phủ giảm 14% xuống 12%... Tuy nhiên, việc lâu nay NHNN chỉ chăm chú giải quyết LS thị trường, thông qua áp các loại trần 14% đối với VND và 2% đối với USD, thay vì "điều trị" LS liên NH, càng chứng minh NHNN đánh mất vai trò quan trọng trong việc kiểm soát việc vay mượn, mua bán của các NH thương mại. Mà đây là yếu tố quan trọng bậc nhất để kiểm soát LS thị trường. Vì vậy thời gian tới, cần phải bỏ trần LS, kiểm soát thông qua công cụ thị trường, cần thiết có thể sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc - chỉ có sử dụng mới có quan hệ tín dụng, mới điều tiết được thanh khoản của hệ thống.
Anh Vũ
Bình luận (0)