Không cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn, bị phạt tù?

Ngân Nga
Ngân Nga
06/05/2023 14:11 GMT+7

Sau ly hôn, nếu người chồng không cấp dưỡng nuôi con, thì sẽ bị cưỡng chế như khấu trừ tiền trong tài khoản, trừ vào thu nhập và có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Tôi và chồng thuận tình ly hôn. Tôi được quyền nuôi bé trai 5 tuổi, chồng có trách nhiệm cấp dưỡng 5 triệu đồng/tháng cho đến khi con 18 tuổi. 

Tuy nhiên, đã mấy tháng nay, chồng cũ không cấp dưỡng đồng nào. Pháp luật quy định sao về trường hợp này? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của con?

Bạn đọc Cẩm Huệ ở Thái Nguyên thắc mắc với Báo Thanh Niên.

Chuyên gia tư vấn

Bà Lê Thúy Hằng, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên tư vấn, theo điều 110, điều 116 và điều 117 luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con.

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Làm gì khi chồng cũ không cấp dưỡng nuôi con? - Ảnh 1.

Sau khi bản án có hiệu lực, nếu người chồng không cấp dưỡng nuôi con thì sẽ bị cưỡng chế như bị khấu trừ tiền trong tài khoản

MINH HOẠ: DAD

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi do các bên thỏa thuận. Các bên cũng có thể thỏa thuận tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp, người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế, mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Trong trường hợp của bạn, nếu chồng cũ của bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, thì bạn nộp đơn ra cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức thi hành quyết định của tòa án. Khi đó, cơ quan này sẽ tiến hành cưỡng chế như khấu trừ tiền trong tài khoản, trừ vào thu nhập của người chồng cũ.

Ngoài ra, nếu người chồng cũ cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, người vi phạm thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng (điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình...).

Về xử lý hình sự, theo điều 380 bộ luật Hình sự, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm về tội không chấp hành án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.