>> Không chê trách, so sánh học sinh lớp 1
>> Khuyến khích không chấm điểm học sinh lớp 1: Xóa áp lực khi đến trường
Theo đó, với môn toán và tiếng Việt, giáo viên sẽ nhận xét học sinh bằng lời trực tiếp khi kiểm tra miệng và các hoạt động học tập ở mỗi bài học; nhận xét trên lớp qua bài luyện tập trên vở, bài kiểm tra viết (dưới 20 phút) và ghi nhận xét vào thời điểm cuối tuần, cuối tháng và cuối học kỳ.
Khi phát hiện lỗi trong mỗi bài luyện tập trên vở, bài kiểm tra viết, giáo viên dùng bút mực đỏ sửa một vài lỗi cơ bản; còn lại, gạch chân những chỗ sai hoặc chưa chuẩn nhằm giúp học sinh nhận biết lỗi và rút kinh nghiệm với những lỗi tương tự; ghi Đ (khi học sinh làm đúng), ghi S (khi học sinh làm sai) đối với môn toán. Đối với môn tiếng Việt, một số bài tập cũng có thể ghi Đ (đúng), S (sai). Ngoài ra, môn tiếng Việt cần căn cứ theo yêu cầu đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng để nhận xét riêng từng phân môn.
Việc ghi nhận xét vào thời điểm cuối tuần, cuối tháng và cuối học kỳ yêu cầu nội dung nhận xét ngắn gọn, tập trung vào việc đánh giá năng lực nhận thức, ý thức học tập, rèn luyện, sự tự tin trong giao tiếp của học sinh với bạn bè... và đặc biệt chỉ ra được sự tiến bộ và mặt nào học sinh cần cố gắng hơn trong tuần hoặc trong giai đoạn.
Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập "Sổ theo dõi học tập môn toán, tiếng Việt lớp 1" ghi chép nhận xét từng học sinh (dành cho mỗi học sinh một trang riêng, xếp theo thứ tự danh sách lớp).
Đây là nhận xét tổng hợp, có giá trị kết hợp với kết quả điểm kiểm tra định kỳ cuối năm để xét lên lớp và khen thưởng học sinh. Đồng thời, cũng là ý kiến khi giáo viên trao đổi với phụ huynh học sinh qua "Sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường", hay kỳ họp hội cha mẹ học sinh để phối hợp cùng gia đình giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.
Việc cho điểm kết hợp với nhận xét chỉ thực hiện với bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và kiểm tra định kỳ cuối năm học đối với môn toán và môn tiếng Việt. Điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân ở các bài kiểm tra.
Sở GD-ĐT lưu ý, không dùng điểm số để đánh giá năng lực nhận thức và kết quả học tập hằng ngày của học sinh dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả cho điểm thưởng). Không cho điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra định kỳ giữa kỳ I, điểm kiểm tra định kỳ giữa kỳ II. Tuyệt đối không so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Đối với các môn học khác: Đánh giá bằng nhận xét, xét lên lớp, xếp loại giáo dục và xét khen thưởng được thực hiện theo Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)