Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng nhắc ngành hàng không 6 vấn đề lớn, gồm: an toàn an ninh; tần suất cất, hạ cánh còn thấp; an ninh thông tin bay; hoãn (delay), hủy chuyến bay; cổ phần hóa còn chậm và giải pháp tăng đội máy bay, nâng cao chất lượng quản trị.
“Delay” nhiều là do năng lực
Nhắc lại hiện tượng chậm, hủy chuyến bay tăng cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Dũng cho biết, 7 tháng qua, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của VNA tăng lên nhưng các hãng hàng không khác lại giảm mạnh. Ông Dũng đề nghị ngành hàng không phải thực hiện kỷ luật nghiêm đối với hiện tượng delay. “Hành khách không thể chấp nhận delay chuyến này rồi lên máy bay khác vẫn tiếp tục delay. Chúng tôi bay không bị delay nên không biết thế nào, còn khách thì họ không chấp nhận được”, Bộ trưởng lưu ý.
Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết trong hoạt động hàng không, điều hành bay, phục vụ mặt đất và kết cấu hạ tầng là giống nhau, nhưng tỷ lệ delay của mỗi hãng lại rất khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ chậm, hủy chuyến của VNA là 11 - 13%, nhưng của Vietjet và Jetstar Pacific lại trên 30%, chứng tỏ nguyên nhân delay là do năng lực vận hành của các hãng mà trực tiếp là sắp xếp, tính toán kế hoạch khai thác máy bay.
GS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho hay sự bùng nổ của hàng không giá rẻ đem lại cơ hội cho mọi người dân đều được bay, nhưng gây tắc nghẽn hạ tầng giao thông đô thị tại TP.HCM, cản trở tăng trưởng. Ông Thiên đề xuất, cần tính toán giải pháp chuyển khai thác của các hãng giá rẻ ra sân bay Biên Hòa.
Tiết kiệm trước khi tính chuyện tăng giá
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các doanh nghiệp hàng không đang đặt vấn đề tăng giá. Theo Bộ trưởng, cần tiết kiệm chi phí quản lý và các chi phí khác trước khi tính giải pháp tăng giá.
Bộ trưởng Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, vì sao doanh thu 6 tháng đầu năm của VNA tăng cao nhưng lợi nhuận lại giảm, chỉ đạt hơn 87 tỉ đồng, nộp ngân sách 600 tỉ đồng là thấp so với vị thế của doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chia sẻ VNA hiện đang đảm nhiệm nhiều đường bay chính trị, một số đường bay quốc tế đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch. Bên cạnh đó, với vấn đề xã hội hóa đầu tư cảng hàng không, tư nhân chỉ tham gia đầu tư vào nhà ga, cũng là nơi có nguồn thu lớn, chiếm 60 - 70%, như tại Cam Ranh và Đà Nẵng.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, lại nhận xét các DN ngành hàng không đang nắm khối tài sản rất lớn. Có lĩnh vực như quản lý bay, cảng hàng không vẫn độc quyền là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngành chưa cao. Cần đẩy mạnh cổ phần hóa, mở nhiều kênh cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu ngành hàng không phải đổi mới về quản trị, công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Dư địa, lợi thế hàng không cực lớn, minh chứng là khi Vietjet vào thị trường có sự cạnh tranh rất mạnh, cần đẩy mạnh tăng trưởng hơn.
Đồng loạt tăng giá dịch vụ hàng không
Bộ GTVT vừa ban hành mức giá dịch vụ hàng không mới. Theo đó, giá cất, hạ cánh các chuyến bay được điều chỉnh tăng 5% với lộ trình đến 30.6.2018, sau đó sẽ tăng thêm 10%. Mức giá trong khung giờ cao điểm sẽ tăng 115% so với giờ bình thường, còn tại khung giờ thấp điểm giảm còn 85%. Trong khung giờ bình thường, mức giá cất, hạ cánh áp dụng với máy bay ATR 70 là gần 700.000 đồng/lần; máy bay A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần; máy bay A350, B787, B777 và A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng/lần.
Giá dịch vụ hành khách bay quốc tế tăng tại một số cảng mới được đầu tư nâng cấp như Đà Nẵng, Cát Bi và Vinh. Theo đó, giá dịch vụ tại sân bay Đà Nẵng là 20 USD/khách so với mức giá hiện hữu là 16 USD/khách. Mức giá này tại sân bay Vinh và Cát Bi là 14 USD/khách so với 8 USD/khách hiện nay. Ngoài ra, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với khách bay quốc tế, so với mức 1,5 USD/khách hiện nay. Đối với khách bay quốc nội, việc điều chỉnh tăng lên từ trên 11.000 đồng đến trên 18.000 đồng theo từng giai đoạn, so với giá hiện hành là hơn 9.000 đồng.
|
Bình luận (0)