Đánh giá công tác mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong giai đoạn 3 năm (2014 - 2017), Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết bên cạnh nhiều kết quả đạt được, công tác cấp phép ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa xác định được trách nhiệm, thẩm quyền giữa UBND các tỉnh và Sở VH-TT-DL, Sở VH-TT. Công tác thanh kiểm tra các hoạt động triển lãm, công trình tượng đài ngoài trời, ở nơi công cộng chưa được quan tâm đúng mức; công tác hậu kiểm nhiều địa phương chưa làm tốt và thường xuyên. Vẫn còn nhiều triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh không xin phép hoặc không đúng với nội dung xin phép; nhiều tác phẩm đạo, nhái bị phát hiện. Thậm chí, “Tranh giả, tranh nhái vẫn được Sở VH-TT-DL cấp giấy phép triển lãm như triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ở TP.HCM”, Cục trưởng cho biết.
Về tình trạng lập lờ khái niệm sáng tác như những tranh “đạo” được gọi là “remake” mà Thanh Niên đã nêu, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho rằng: “Đây là vấn đề sẽ còn nhiều tranh cãi. Ranh giới giữa sáng tạo và sao chép rất mong manh. Vấn đề ở đây là sử dụng ở mức độ nào thì đó là sự sáng tạo tiếp tục, còn ở mức độ nào thì sẽ trở thành lười biếng, copy ý tưởng, “đạo” tác phẩm… Thực ra, người trong nghề chỉ cần nhìn là biết sáng tạo hay sao chép. Nhưng dù gì thì gì, mỗi nước đều phải có quan niệm riêng, bản sắc riêng, người nghệ sĩ phải có ứng xử như thế nào để vừa đúng truyền thống văn hóa nhưng đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo tôi, vẫn nên khuyến khích, trân trọng những sáng tạo nguyên gốc, “rút gan, rút ruột”, tư duy của mình ra… và hạn chế việc vay mượn đến mức trở thành “đạo”, copy của người khác… Ở góc độ của một nghệ sĩ, tôi không thể chấp nhận sự lười biếng trong nghệ thuật”.
“Để có được một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa thì các vấn đề như: thẩm định tác phẩm như thế nào, giao dịch mua bán ra sao, ai bảo hộ tác phẩm… phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Có như vậy, chúng ta mới tiệm cận được với thế giới”, Thứ trưởng chia sẻ.
Bình luận (0)