Không chạy xe, vẫn bị phạt

19/11/2012 03:35 GMT+7

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ cho mượn xe, cho thuê xe, hoặc bán xe cho người khác cứ đưa cà vẹt xe là xong; nếu có gì xảy ra thì người điều khiển xe phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế không đơn giản vậy...

Không chạy xe, vẫn bị phạt
CSGT xử phạt người nước ngoài không có giấy phép lái xe - Ảnh: Đàm Huy

Cuối tháng 8.2012, ông Đ.T.T (ngụ Q.8) lấy xe gắn máy của vợ đi trong tình trạng say rượu nên bị Đội CSGT Chợ Lớn thổi phạt về hành vi điều khiển xe trong lúc nồng độ cồn vượt quá quy định và không có giấy phép lái xe (GPLX). Tưởng vụ việc chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ bà Th. (vợ của ông T.) dù đang ở nhà, không đi xe cũng bị CSGT lập biên bản xử phạt 750.000 đồng về hành vi giao xe hoặc để người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông.

Trên thực tế, số người bị phạt như bà Th. không phải là ít. “Từ đầu năm đến nay, Đội CSGT Q.6 đã xử phạt hơn 100 trường hợp về hành vi giao xe hoặc để người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông, trong đó người được giao xe đa số là học sinh, sinh viên hoặc thanh thiếu niên ở các tỉnh, thành khác lên TP.HCM chở hàng cho các tiểu thương, cửa hàng nhưng không có GPLX hoặc không đủ tuổi”, trung tá Phùng Viết Chánh, Trưởng đội CSGT Q.6, Công an TP.HCM, cho biết.

Tương tự, những người mở dịch vụ cho người nước ngoài thuê xe gắn máy cũng rất dễ bị phạt vì hành vi này do đa số người nước ngoài thuê xe đều không có GPLX. “Các trường hợp này, phòng kiên quyết lập biên bản xử phạt người cho thuê xe về hành vi giao xe hoặc để người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông. Trước đây mức phạt thấp nên có thể họ không quan tâm, nhưng nay mức phạt tăng lên đến 1 triệu đồng”, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM nhận định.

Vướng vòng lao lý

Đầu năm 2012, chị T. (ngụ Q.8) giao xe gắn máy của mình cho chủ tiệm sửa xe ở Q.8 sửa chữa. Sau khi sửa xong, chị T. chưa kịp đến lấy thì chủ tiệm đưa cho thợ sửa xe (15 tuổi, chưa có GPLX) chạy đi mua đồ, gây TNGT khiến thợ sửa xe tử nạn và người khác bị thương. Mặc dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chủ phương tiện và chủ tiệm sửa xe gặp không ít rắc rối.

“Mấy năm qua, Công an Q.Tân Bình đã xử phạt rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đưa xe cho người không có GPLX hoặc không đủ tuổi điều khiển phương tiện mượn, rồi gây TNGT. Mặc dù chưa khởi tố vụ nào nhưng điều này cũng đáng báo động vì đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như thiệt hại về tài sản, tinh thần, sức khỏe đối với người gặp nạn”, một cán bộ xử lý TNGT của Công an Q.Tân Bình khuyến cáo.

Trường hợp anh L.V.Thảo không may mắn thoát “án hình” như chị T. Tối 28.8.2011, anh Thảo rủ Cường đi uống cà phê. Mặc dù biết Cường chưa có GPLX nhưng hằng ngày thấy Cường chạy xe nên Thảo đưa xe cho Cường chở đến quán cà phê. Khi đến giao lộ Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ (Q.5), xe của Cường tông vào xe gắn máy của ông H.Q đang chở vợ lưu thông cùng chiều. Tai nạn khiến vợ ông Q. bị chấn thương sọ não, tử vong. Sau đó, Thảo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "Giao cho người không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", Cường bị truy tố về tội danh "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Mới đây, Cơ quan CSĐT, Công an H.Diên Khánh (Khánh Hòa) cũng đã khởi tố bị can Đ.Q.Th (40 tuổi) về hành vi giao cho người không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và N.T.Đ (39 tuổi, cả hai đều quê Nam Định) về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Khoảng 21 giờ ngày 24.6.2012, Th. mặc dù biết Đ. không có GPLX nhưng vẫn giao ô tô cho Đ. điều khiển, dẫn đến tai nạn làm chết 3 người.

Nhiều rủi ro khi mua bán xe không sang tên đổi chủ

Trao đổi với PV Thanh Niên, một thẩm phán Tòa hình sự TAND TP.HCM cho biết theo quy định người bán xe không làm thủ tục sang tên đổi chủ có thể vướng vào nhiều rắc rối về sau. Chẳng hạn, người mua lái xe gây TNGT chết người, người chủ cũ vẫn bị triệu tập tham gia vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nếu không chứng minh được việc mua bán sẽ liên quan đến bồi thường. Cũng theo vị thẩm phán này, xe đứng tên mình mà cho người không có bằng lái mượn, điều khiển, nếu gây tai nạn thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, chủ xe còn phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bị hại.

Ông Trần Quốc Phòng, Trưởng văn phòng công chứng Gia Định, cho biết: “Khoảng 60% các trường hợp mua bán ô tô đến làm thủ tục công chứng ủy quyền cho các giao dịch mua bán ô tô vì một số cho rằng thuế trước bạ là 10% giá trị của xe là quá nhiều, chưa kể lệ phí cấp biển số xe mới”.

Còn luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Công ty luật ANPHANA) cho rằng việc giao dịch dân sự công chứng ủy quyền không vi phạm luật, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, việc ủy quyền không có nghĩa là chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, nếu chủ cũ liên quan đến vụ án nào đó, bị tòa tuyên buộc phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì cơ quan thi hành án có thể kê biên, phát mãi tài sản để chấp hành bản án vì họ vẫn là chủ của chiếc xe. Ngoài ra, theo quy định của luật, việc ủy quyền nếu không ghi thời hạn thì chỉ có giá trị 1 năm. Đặc biệt, nếu người bán chết thì sẽ phát sinh nhiều rối rắm. Lúc đó, ủy quyền sẽ đương nhiên hết hiệu lực, đồng thời, vợ hoặc chồng, con của người chủ cũ này sẽ được hưởng thừa kế đối với chiếc xe đó.

Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.