Không chỉ cát tặc

21/03/2017 06:40 GMT+7

Khi sự việc Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin hăm dọa vì phản đối nạn hút cát chưa lắng xuống, thì chuyện Vườn quốc gia Cát Tiên bị tàn phá bởi nạn hút cát mà Thanh Niên phản ánh ngày 20.3 cho thấy mức độ nghiêm trọng của thực trạng này.

Mẫu số chung của hai sự việc này là ở chỗ đều liên quan đến những dự án được cấp phép đàng hoàng bởi các cơ quan chức năng. Nếu dự án nạo vét cát trên sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn giáp ranh tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được Cục Đường thủy nội địa - Bộ GTVT cấp phép, thì sông Đồng Nai đoạn gần Vườn quốc gia Cát Tiên có hơn chục dự án nạo vét cát được cả địa phương lẫn trung ương cấp phép.
Vì thế, nếu vẫn dùng từ “cát tặc” để chỉ tình trạng hút cát sỏi tràn lan hiện nay thì có vẻ như “oan” cho những kẻ hút cát trộm. Tình trạng hút cát trên sông Cầu hay sông Đồng Nai mà báo chí phản ánh thời gian qua lại là các doanh nghiệp có tên tuổi hẳn hoi, có giấy phép, được tổ chức quy mô, bài bản, rầm rộ và hoạt động một cách công khai. Đáng nói nữa là, tình trạng ấy không riêng có ở Đồng Nai hay Bắc Ninh mà xảy ra ở nhiều địa phương, diễn ra dưới danh nghĩa các dự án xã hội hóa nạo vét luồng lạch.
Tại cuộc họp về chuyên đề này mới đây của Chính phủ, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng bức xúc về vấn đề “nạo vét”. Ông Hùng nói thẳng rằng nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa nạo vét luồng lạch chỉ tham gia ở nơi có mỏ cát, còn nơi lầy bùn thì không làm. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thì chỉ đích danh Công ty Việt Sơn đang nạo vét sông Hồng dưới danh nghĩa dự án xã hội hóa nhưng ranh giới nạo vét không rõ, không cắm mốc luồng nạo vét, nhiều tàu công suất lớn vào ra không đúng thiết kế hồ sơ ban đầu...
Trên thực tế, khi kết luận cuộc họp trên, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ ra thủ đoạn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này là lợi dụng chủ trương xã hội hóa việc nạo vét luồng để hút tài nguyên đem bán. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tạm ngưng cấp mới các dự án nạo vét.
Rõ ràng, việc tạm ngưng một chủ trương đang bị lợi dụng là điều cần làm. Vấn đề mấu chốt không nằm ở chủ trương nạo vét luồng lạch, mà thuộc về khâu tổ chức thực hiện. Hầu hết các dự án nạo vét luồng hay khai thác cát sau khi được cấp phép thì không ai giám sát.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, việc kêu gọi đầu tư bên ngoài (nguồn vốn xã hội) vào xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có nạo vét là điều cần làm. Song, thay vì đứng ra khảo sát, lập dự án nạo vét ở những khu vực, con sông cần khơi luồng lạch rồi đấu thầu cho doanh nghiệp thực hiện thì có nơi lại đi “khoán trắng” cho nhà đầu tư. Cũng có ý kiến cho rằng hầu hết các dự án nạo vét, số cát thu được giá trị lớn gấp nhiều lần số tiền bỏ ra thông luồng. Vậy nên chăng nhà nước đứng ra thực hiện, thu tiền bán cát rồi trang trải trở lại kinh phí nạo vét lòng sông, thay vì để doanh nghiệp tự tung tự tác? Có như thế, nguồn tài nguyên sẽ được khai thác hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.