Góp một góc nhìn với diễn đàn, PGS.TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng đã là tuổi trẻ thì không thể không có khát vọng.
“Bằng kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy thời nào cũng vậy, trong lớp trẻ có thể chia thành ba nhóm: nhóm có cao vọng, nhóm có ước mơ, khát vọng và nhóm không có khát vọng gì rõ ràng”, TS Võ Văn Sen trò chuyện cùng Tuổi Trẻ. Ông nói tiếp:
- Nhóm có cao vọng rất tự tin, muốn làm những việc lớn hơn bình thường, mong muốn vượt trội nhưng thường lại chiếm không nhiều. Nhóm những bạn không có khát vọng gì rõ ràng cũng chỉ chiếm thiểu số. Và cuối cùng, nhóm những bạn luôn có ước mơ, khát vọng sẽ chiếm số đông áp đảo, với những mục tiêu không quá cao xa.
* Theo ông, có mẫu số chung nào cho khát vọng của tuổi trẻ hôm nay chăng?
- Nếu trong chiến tranh, cao vọng là phải giành lại độc lập tự do thì hôm nay phải là phát triển đất nước, làm sao để nước phải giàu mạnh lên, phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Tổ quốc. Đó chính là mẫu số chung của khát vọng tuổi trẻ giai đoạn hiện nay.
Bác Hồ đã nói: “Dân tộc ta có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ ở công học tập của các cháu”. Giàu mạnh có nhiều mức độ nhưng ở đây phải là “sánh vai với cường quốc năm châu”. Lời dạy của Bác nói lên cao vọng của cả dân tộc, đặc biệt đúng với tuổi trẻ VN. Nên không chỉ là khát vọng, tuổi trẻ cần phải có cao vọng mà cao vọng hôm nay không gì khác là phải làm cho đất nước giàu mạnh lên.
Chúng ta có các điều kiện về lịch sử, văn hóa khá tương đồng với Nhật Bản, Hàn Quốc mà hai quốc gia này hiện đang phát triển thế nào ai cũng biết. Tại sao mình lại không thể làm được như thế. Chỉ khi mạnh lên mình mới có thể tự bảo vệ mình.
* Trong bối cảnh xã hội chưa tạo ra cảm hứng cho giới trẻ và nhất là giới trẻ còn chật vật lo cơm áo gạo tiền, lo việc làm và thất nghiệp thì liệu kêu gọi họ khát vọng có phi thực tế?
- Tôi cho rằng không phải các bạn ấy không có khát vọng mà chỉ là chưa được đánh thức khát vọng trong chính họ mà thôi. Lịch sử đã chứng minh không ít cô gái chân yếu tay mềm đã trở thành anh hùng khi khát vọng, lòng yêu nước trong họ được đánh thức và trỗi dậy đúng lúc. Các bạn trẻ hiện nay cũng vậy, làm sao đánh thức khát vọng của họ, vì tôi tin đâu đó trong họ khát vọng vẫn âm ỉ cháy.
Pháp có câu nói thế này: “Thà mòn chứ không gỉ sét”. Nên dù có đối diện với khó khăn đến đâu, có bị cuộc đời chà đạp thế nào, dù le lói chút ánh sáng thôi chúng ta cũng phải hi vọng. Ở xã hội nào cũng thế, cái xấu và cái tốt luôn song hành. Có thể một thời điểm nào đó cái tốt đang phải thu mình trước cái xấu, nhưng chắc gì cái tốt đã yếu thế hơn. Đừng bôi đen ước mơ của tuổi trẻ. Chúng ta trình bày sự thật nhưng hãy chỉ ra những đốm sáng thật trong cuộc sống, để mỗi bạn trẻ nhìn vào đó biết khát khao, vươn tới.
* Vậy hẳn là ông đã từng có cao vọng trong đời mình?
- Dĩ nhiên là thế nhưng không phải lúc nào cũng đạt được như mình mơ ước. Cho đến lúc này có thể nói tôi chỉ đạt khoảng 50% ước mơ và vẫn tiếp tục phấn đấu, quỹ thời gian đến đâu thực hiện đến đó. Vì không có tuổi nào là hết, là dừng lại với mỗi người. Trong đó năng lực cá nhân rất quan trọng, vấn đề là phải biết phấn đấu, rèn luyện để có được những kỹ năng, và quan trọng hơn là đạt được mục tiêu mình đề ra. Tôi mong mỗi bạn trẻ hãy suy nghĩ và luôn cố gắng cho mục tiêu của mình.
* Từng tham gia công tác Đoàn, nay là nhà quản lý giáo dục, ông đánh giá thế nào về vai trò của Đoàn, vị trí của giáo dục trong hành trình cùng lớp trẻ đi đến khát vọng?
- Đoàn là tổ chức chính trị - xã hội giúp khơi dậy, định hướng để thanh niên hành động vì lý tưởng, và đó chính là khát vọng sâu xa của mỗi bạn trẻ. Ai đã từng đi qua môi trường hoạt động Đoàn chắc chắn đều cảm nhận rằng mình có hành trang quý giá vào đời.
Giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức mà cần giúp con người sống có mục tiêu, khát vọng. Làm sao để mỗi bạn trẻ khi tiếp nhận được từ giáo dục phải là ý thức làm người trước khi nghĩ đến việc trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Bởi một quốc gia muốn mạnh phải chấn hưng giáo dục, mà trước hết là chấn hưng người thầy.
Sứ mệnh của Đoàn hay gia đình, giáo dục chính là phải đánh thức cao vọng trong người khác. Nói cách khác là làm sao truyền lửa để mỗi bạn trẻ biết ước mơ, có khát vọng và biết hành động vì những điều ấy. Việc giáo dục năng lực con người, trong đó năng lực về khát vọng, quan trọng lắm. Không thể ảo tưởng rằng cả xã hội ai cũng có khát vọng, nhưng có thể thu hẹp dần khoảng cách để số người sống không khát vọng ít dần đi. Nếu nơi nào còn nhiều người sống không phương hướng, không biết khát vọng thì trách nhiệm dẫn dắt của Đoàn, của giáo dục, các tổ chức chính trị, đoàn thể chưa hoàn thành.
Theo Quốc Linh / Tuổi Trẻ
>> Bay cao khát vọng tuổi trẻ Việt Nam
>> Khát vọng trẻ 5 - Bay cao khát vọng tuổi trẻ Việt Nam
>> Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước
>> Giao lưu trực tuyến “Khát vọng tuổi trẻ - dựng xây đất nước”
>> Diễn đàn “Khát vọng tuổi trẻ”: Sống có khát vọng để không hối tiếc
>> Bay cao khát vọng tuổi trẻ Việt Nam
>> Diễn đàn “Khát vọng tuổi trẻ”: Chính chúng ta phải thay đổi
>> Diễn đàn “Khát vọng tuổi trẻ”: Giúp thanh niên hun đúc khát vọng
Bình luận (0)