Điều khác là tần suất ngày càng dày hơn.
Cái gì làm nhiều rồi cũng thành quen. Ban đầu ai cũng phập phồng, lo lắng nhưng càng ngày, mọi người càng thờ ơ, chính chủ bị lộ cũng chưa thấy trường hợp nào tột độ bức xúc, khiếu kiện hay bỏ công tìm hiểu xem thông tin cá nhân của mình có khả năng bị lộ từ nguồn nào. Các doanh nghiệp bị lấy cắp dữ liệu đa phần tập trung trấn an khách hàng thay vì truy đuổi hacker, làm cho “ra ngô ra khoai”. Họ không sợ rủi ro chăng? Tất nhiên là có.
Bị làm phiền bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác thôi cũng đủ mệt mỏi lắm rồi, ai chẳng sợ lừa đảo, mất tiền, mất khách. Thế nhưng sợ hay lo ngại thì nói thẳng là cũng chẳng để làm gì. Vụ cơ quan nhà nước vào cuộc có thể nói mạnh mẽ nhất là lộ thông tin khi đi máy bay. Xuất phát từ việc khách hàng cứ mua vé xong là các hãng taxi ở đầu điểm đến ngay lập tức nhắn tin, gọi điện mời chào. Thế nhưng làm rầm rộ lên một hồi, rồi... thôi. Chuyện tới giờ vẫn chưa có hồi kết. Các vụ lộ thông tin, dữ liệu cá nhân trước và bây giờ cũng thế... không có cơ quan nào vào cuộc, không có doanh nghiệp nào chịu trách nhiệm. Cứ hòa cả làng như trò chơi dù hệ lụy của việc lộ thông tin đã được phân tích không thiếu góc độ nào.
Nhưng lộ thông tin cá nhân, đâu chỉ là vấn đề an toàn với chính chủ? Trong kỷ nguyên số, dữ liệu được coi là dầu mỏ, một tài nguyên được coi là quý nhất ở kỷ nguyên trước. 5 "người khổng lồ" của thế giới là Google, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft cũng nhờ một phần không nhỏ từ sở hữu và phân tích tài nguyên dữ liệu. Rất nhiều công ty đã và đang bỏ tiền tấn, tiền tỉ ra chủ yếu để có bộ dữ liệu khách hàng... Bởi có nắm bắt được thói quen, nhu cầu, xu thế, tâm lý, sở thích, xu hướng tiêu dùng, trào lưu... thì mới có thể đón đầu sản xuất, tiếp thị, phân phối các sản phẩm, dịch vụ một cách hiệu quả nhất. Thế nhưng tại Việt Nam, dữ liệu cá nhân lại được mua bán công khai, tràn lan khắp nơi trên diễn đàn mạng. Không được bảo vệ, không an toàn nên dữ liệu cá nhân của Việt Nam cũng đa phần ở dạng thô, rời rạc, chưa thể tạo ra những giá trị đúng với bản chất của nó. Và cũng có thể vì thế, cả chính chủ lẫn cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự thấy hết được tầm quan trọng cũng như nguy hại của việc lộ thông tin cá nhân chăng?
Chúng ta nói nhiều đến nền kinh tế số, Việt Nam là một trong những nước tiên phong phát triển mạng 5G nhưng dữ liệu - yếu tố được coi là dầu mỏ của kỷ nguyên số lại chưa được quản lý hiệu quả mà ngược lại còn bị thả nổi, rao bán, tấn công... tràn lan thì làm sao có thể khai thác, có thể kích thích sự bùng nổ để tạo đột phá cho nền kinh tế? Đó mới là vấn đề quan trọng chứ không chỉ là chuyện an toàn cho chính chủ trong việc lộ thông tin cá nhân.
Chúng ta chỉ có được nguồn data chất lượng, có thể khai thác tạo ra giá trị khi chúng ta bảo vệ được quyền dữ liệu cá nhân và ngược lại.
Bình luận (0)