“World Cup không nên chỉ nói về bóng đá. Đây là dịp để chúng ta gửi thông điệp tới mọi người về quyền trẻ em, về niềm vui con trẻ”, bên hè phố Sao Paulo, họa sĩ Apolo Torres chia sẻ.
>> Dang dở Arena de Sao Paulo
>> Không ngủ ở Sao Paulo
>> Hẹn gặp ở Sao Paulo!
>> Báo Brazil đưa tin Kaka về Sao Paulo
|
Đến Sao Paulo, thành phố lớn nhất của Brazil, một trong những ấn tượng nổi bật đó là những bức tường rực rỡ. Hình vẽ graffiti có mặt mọi nơi, từ bên đường ray xe lửa, tường nhà, đến hè phố. Trong những ngày World Cup 2014, hình ảnh về bóng đá xuất hiện tràn ngập trên tường.
Nhưng ngay cả những bức tranh về bóng đá thì cũng không chỉ nói về bóng đá.
Thông điệp của Apolo Torres
“Chào anh, xin anh cho biết tên ạ?”, tôi hỏi một họa sĩ trẻ đang múa cây cọ trên bờ tường cạnh xa lộ chạy ngang qua bên ngoài sân Sao Paulo. “Tôi là Apolo, gần giống tên phi thuyền của người Mỹ ấy”, Apolo Torres cười. Dưới cơn mưa phùn nhè nhẹ, Torres và người trợ lý đang hối hả nhưng cẩn thận đi từng nét cọ để hoàn tất bức tranh những trẻ em vui chơi và đá bóng.
|
“Anh vẽ tranh này mất bao lâu?”. “Hôm nay là ngày thứ ba, và tôi phải hoàn tất trong ngày hôm nay, trước khi World Cup khai mạc”, Apolo đáp, rồi anh giải thích thêm “Anh biết không, World Cup không nên chỉ nói về bóng đá. Đây là dịp để chúng ta nói về quyền trẻ em, về niềm vui của con trẻ”. “Ồ, anh tình nguyện vẽ những hình này hay ai thuê anh?”. “Thực ra là có một tổ chức quốc tế thuê tôi. Đó là UNICEF, họ muốn tôi vẽ những bức tranh tường trong dịp World Cup này, với nội dung bảo vệ quyền được vui chơi, ăn học của trẻ em, lên án việc khai thác sức lao động trẻ em”, Apolo vừa nói, vừa vén áo khoác lên để chỉ cho tôi thấy chữ UNICEF trên chiếc áo lót bên trong.
Tôi nhìn vào tranh, thấy những em bé đang xem ti vi, chơi bóng, vẫy cờ và chạy nhảy. Có em bé được ba mẹ cõng đi xem bóng đá. Có một nhóm trẻ em khu ổ chuột đang ngồi hí hoáy vẽ hình trái bóng, như đang vẽ chính ước mơ của các em. Hình ảnh thật vui tươi và sống động này nằm kế bên xa lộ, ngay lối đi của các cổ động viên. Trong buổi chiều mưa phùn tại “Thành phố mưa phùn” ấy, giữa lúc Apolo đang đi những nét cọ cuối cùng, nhiều em nhỏ, người lớn đã tới đây chụp hình, ngắm tranh. Nhiều phóng viên tới hỏi chuyện. Apolo cởi mở với tất cả mọi người, anh trò chuyện và chia sẻ những thông điệp về quyền trẻ em.
|
Và cú đánh đầu chết chóc của Zidane
“Anh thường hay vẽ tranh tường chứ?”, tôi hỏi. “Đó là sự nghiệp của tôi”, Apolo cười. “Chủ đề liên quan đến bóng đá à?”. “Không hề. Tôi không chơi bóng. Tôi không mê trò chơi bóng đá. Tôi vẽ tranh nhiều chủ đề khác nhau và ít liên quan đến bóng đá. Chỉ trong dịp này, khi có đề nghị từ UNICEF, tôi mới vẽ về bóng đá. Nhưng thực ra cũng không hẳn là về bóng đá”.
Apolo mở máy tính giới thiệu cho tôi những tác phẩm khác mà anh đã thực hiện khắp Sao Paulo. Anh bảo đó là niềm đam mê của mình. Ở Sao Paulo, có rất nhiều họa sĩ đường phố và Apolo là một trong những nhân vật nổi bật. Anh từng dự nhiều sự kiện quốc tế về graffiti và thật dễ hiểu vì sao UNICEF lại chọn anh để thực hiện công trình quan trọng này.
Chia tay Apolo, tôi đi một vòng dọc những vỉa hè quanh sân vận động và nhận ra rằng nơi đây như là một thế giới của tranh tường. Dọc lối đi từ nhà ga Artur Alvim, tường của một dãy nhà được sơn vẽ như một biên niên sử kể lại lịch sử vinh quang và đôi lần cay đắng của Brazil tại các kỳ World Cup. Một trong những hình ảnh dễ nhận ra là cú đánh đầu của Zinedine Zidane nhấn chìm đương kim vô địch Brazil tại World Cup 1998, hay cảnh một World Cup nóng hừng hực trên đất Mỹ trước đó 4 năm.
Trong dịp World Cup 2014, dãy tường này cùng với các bức tường đầy hình họa graffiti đã trở thành những điểm thu hút cổ động viên. Ai đến sân Sao Paulo cũng dừng chân trước các bức tường rực rỡ để ghi lại hình ảnh về ngày tháng không thể quên này.
Bóc lột lao động trẻ em là một vấn đề nhức nhối toàn cầu. Chỉ riêng Brazil, theo thống kê năm 2013, có khoảng 3,7 triệu trẻ em phải đi làm. FIFA và các tổ chức quốc tế ngày càng chú trọng truyền đi các thông điệp để nâng cao nhận thức về quyền trẻ em. Tại World Cup 2010, bên cạnh các trận cầu chính thức, FIFA còn tổ chức một giải đấu mang tên Hy vọng dành cho trẻ em. Với trái bóng Brazuca của World Cup 2014, khi đặt hàng cho một nhà máy ở Pakistan sản xuất, hãng Adidas phải đảm bảo không có việc sử dụng lao động trẻ em. Và giữa lúc World Cup 2014 đang diễn ra ở Brazil, UNICEF đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền trẻ em. |
Đỗ Hùng
Bình luận (0)