Theo báo cáo này, 50% FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào VN là đến từ thiên đường thuế nên lợi nhuận đều chuyển về đó. Vì vậy, dù thu hút nhiều đầu tư song thực chất số tiền thuế thu về từ khối doanh nghiệp (DN) này của VN không lớn. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều “thiên đường thuế” đầu tư vào VN như quần đảo Virgin thuộc Anh nằm trong top 5 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào VN với 19,7 tỉ USD, Cayman 6,36 tỉ, Luxembourg 1,9 tỉ USD, Bermuda 232 triệu USD, Panama 51 triệu USD.
Bên cạnh đó, Singapore, Hồng Kông là nơi thường được các nhà đầu tư lựa chọn đặt trụ sở để đầu tư sang nước khác vì có mức thuế thấp cũng là những nhà đầu tư lớn của VN. Một cơ sở quan trọng nữa để khẳng định điều này là những năm qua, VN đang đối diện với rất nhiều nghi án chuyển giá trốn thuế của các DN nước ngoài. Từ những tên tuổi lớn như Metro, Coca Cola, Adidas VN cho đến các DN vừa, nhỏ. Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. Chuyển giá khiến VN không thu được đồng thuế nào, hoặc thu được rất ít từ các DN nước ngoài.
Nhưng bị thất thoát thuế từ chuyển giá chưa phải là hậu quả duy nhất mà còn rất nhiều cái mất sau đó. Chúng ta đều biết, để thu hút FDI, chúng ta đã “trải thảm” ưu đãi từ thuế, giá thuê đất... Quy mô dự án càng lớn, ưu đãi càng cao và các ưu đãi này cũng khiến VN thành “thiên đường thuế”. Còn nhớ, chỉ hơn 1 tháng trước đây, dư luận đã vô cùng “sốc” khi biết các chính sách ưu đãi của VN đã giúp Samsung tiết kiệm cả tỉ USD tiền thuế. Cụ thể, hai công ty con của Samsung Electronics tại VN đạt gần 70.000 tỉ đồng lợi nhuận trong năm 2015. Với mức thuế suất thông thường 22%, lẽ ra 2 công ty này phải nộp khoảng 13.000 tỉ đồng thuế thu nhập DN. Tuy vậy, số liệu cho thấy, các dự án của Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh đã nộp 1.684 tỉ đồng thuế vào ngân sách nhà nước còn Công ty SEVT nộp ngân sách 950 tỉ đồng.
Hay như Formosa cũng được nhận ưu đãi kịch trần khi đầu tư vào VN nhưng sau đó vẫn gửi đơn đề nghị xin thành lập “Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với nhiều ưu đãi vượt mọi khuôn khổ quy định của pháp luật VN. Yêu sách này đã bị bác bỏ nhưng ngay sau đó, công ty này đã gây ra thảm họa môi trường lịch sử khiến cá chết ở 4 tỉnh miền Trung VN. Không chỉ biến VN thành “thiên đường thuế”, các ưu đãi này còn tạo ra môi trường bất bình đẳng với các DN trong nước. Họ bị chèn lấn và thua thiệt; họ bị ép sân nên rất nhiều DN đã phải từ bỏ thị trường vì không cạnh tranh nổi với các DN ngoại mạnh về vốn, dư thừa về kinh nghiệm thôn tính thị trường lại còn được hưởng ưu đãi.
Rất nhiều nước trở thành nạn nhân của "thiên đường thuế" và nhiều tổ chức trên thế giới đang kêu gọi xóa bỏ các thiên đường thuế này nhưng mọi việc không dễ dàng. Tuy nhiên, việc lọc và siết lại các ưu đãi cho khối DN FDI để không tự biến mình thành “thiên đường thuế” và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN lại hoàn toàn nằm trong tay chúng ta.
Bình luận (0)