"Nên hay không nên" là câu hỏi được bàn cãi, tranh luận rất nhiều khi Việt Nam tham gia giành quyền đăng cai ASIAD 18. Đến khi chính thức được chọn, dù sau 14 năm mới có thêm một nước thuộc khu vực Đông Nam Á giành quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu lục thì dư luận vẫn cứ băn khoăn trước câu hỏỉ "mừng hay lo"...
Tình hình kinh tế và ngân sách khó khăn đã khiến nỗi lo toan chen vào niềm vui đăng cai ASIAD 18 mà Việt Nam vừa giành được.
Đúng là trong bối cảnh này, việc bỏ ra một số tiền không nhỏ để tổ chức một đại hội thể thao thì dù sự kiện lớn thế nào, vinh dự đến bao nhiêu, cũng nên bắt tay ngay vào việc tính toán thế nào để khoản đầu tư cho ASIAD 18 sẽ sinh lời.
Thực tế đã chứng minh, nếu biết khai thác thì đăng cai các thế vận hội, các chương trình lớn của khu vực hay thế giới, có thể mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế. Còn nhớ trước khi đăng cai Olympic London 2012, nước Anh cũng đứng trước cuộc tranh cãi như chúng ta khi phải chi tới 14,5 tỉ euro trong bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào cuộc suy thoái kép tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Nhưng nhờ biết khai thác tối đa các dịch vụ, sản phẩm ăn theo sự kiện này, Olympic London đã "lội ngược dòng", trở thành "thần dược" kích thích nền kinh tế nước này khi sức mua tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, GDP nhích lên ngay sau khi thế vận hội kết thúc. Mỹ cũng lãi ròng vài trăm triệu USD từ Olympic 1984; Olympic Bắc Kinh 2008 dù mục tiêu không phải là lợi nhuận nhưng vốn bỏ đã nhanh chóng được thu hồi trong khi các công trình còn nguyên giá trị sử dụng. Tất nhiên, cũng có nhiều bài học xương máu về thiệt hại, nợ công, thua lỗ từ các kỳ đại hội kiểu này như Canada, Hy Lạp....
Với Việt Nam, muốn khai thác triệt để các cơ hội từ sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này, quan trọng nhất là phải lên kế hoạch phối hợp đồng bộ giữa tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Hàng không, du lịch, khách sạn... bắt tay thế nào để tạo thành các tour "du lịch kết hợp xem ASIAD 18" hấp dẫn cả về giá và chất lượng để lôi kéo người hâm mộ thể thao cũng như khách du lịch đến Việt Nam; hệ thống dịch vụ ăn uống - giải trí phải được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp để khách vừa lòng và sẵn sàng móc hầu bao; ngành thương mại - các làng nghề - những thợ thủ công tinh xảo của Việt Nam phải được "nối" lại để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng. Ngoài ra, các nhà bán lẻ, nhà mạng, ngành may mặc, vận tải, đồ chơi, ẩm thực truyền thống... đều có thể ăn theo sự kiện này nếu cùng tham gia, cùng lên kế hoạch, cùng phối hợp ngay từ đầu. Đó là chưa kể, việc xây dựng các công trình mới, hệ thống hạ tầng cơ sở hay cải tạo các công trình cũ... để phục vụ ASIAD 18 cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế khi sức mua vật liệu xây dựng được kích thích, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới...
Chọn lãi ròng như Mỹ, trở thành "thần dược" như Anh được hay không đang phụ thuộc vào chính chúng ta. Nên thay vì chỉ dừng lại ở chủ trương "tiết kiệm tối đa, không lãng phí" trong việc đầu tư các công trình ASIAD 18 hay chỉ chăm chăm thêm môn nọ, món kia có lợi thế giành huy chương hay không thì cần biến ASIAD 18 thành một thương vụ đầu tư có lợi cả về kinh tế lẫn quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)