Không chỉ lãi suất

10/05/2016 05:46 GMT+7

Theo Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay, đã có trên 20.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Đây là một con số báo động nếu đặt bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như cuộc cách mạng quốc gia khởi nghiệp.
Vì thế, cả nền kinh tế đang chờ đợi việc giảm lãi vay 1% mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã hứa trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp (DN) cuối tháng 4 vừa rồi để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Ngay sau khi thông điệp của người đứng đầu NHNN được phát đi, bốn NH lớn gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,3 - 0,5%/năm và áp dụng mức lãi suất trung - dài hạn không quá 10%/năm đối với những khách hàng tốt. Một số NH cổ phần cũng đã giảm theo, chưa kể hàng loạt các chương trình, gói vay ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng liên tục được các nhà băng tung ra.
Theo khảo sát của Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HSC) vào cuối tháng 4, lãi suất cho vay bình quân là 9,37% (cuối tháng 3 là 9,42%). Lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn là 8,96% và cho vay trung dài hạn là 10,5%. Mức này đã giảm khá mạnh so với mấy năm trước. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN thì chi phí vốn của DN nội vẫn cao hơn. Nó khiến họ giảm sức cạnh tranh, thua thiệt khi tham gia hội nhập.
Để giảm lãi vay trong bối cảnh lạm phát dự báo tăng khá mạnh so với năm trước và chênh lệch giữa lãi đầu vào - đầu ra đã được kéo lại hết cỡ, các nhà băng đã “gợi ý” NHNN giảm dự trữ bắt buộc xuống còn 1% đối với VND và 3% đối với ngoại tệ; giảm tỷ lệ dự trữ thanh toán từ 10% xuống 8% và giảm phát hành trái phiếu chính phủ... Làm vậy, hệ thống NH sẽ có thêm vài trăm ngàn tỉ đồng vốn cung cấp cho sản xuất.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế, những giải pháp nói trên cũng chỉ là tình thế. Để lãi suất giảm, vấn đề cốt lõi là phải giải quyết khối nợ xấu. Chỉ có như vậy, chi phí vốn của DN mới có thể kéo xuống được.
Nhưng hỗ trợ DN không chỉ là giảm lãi suất mà phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp khác thì mới hiệu quả. Đầu tiên là chính sách tài khóa. Với các DN vừa và nhỏ, DN mới khởi nghiệp, nên có những chính sách giảm thuế GTGT cho máy móc, thiết bị; giảm thuế đánh trên các khoản đầu tư. Thứ hai, giảm và loại trừ các loại phí, lệ phí cao hoặc phí thu chưa đúng quy định. Nói không với các đòi hỏi tăng phí vô lý vẫn đang được đề xuất ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Thứ ba là cải cách thật mạnh thủ tục hành chính ở các cơ quan công quyền. Trước mắt là những vướng mắc để hoàn thuế GTGT nhanh cho các DN có vốn xoay vòng. Hiện vẫn còn rất nhiều DN bị chôn vốn do không hoàn được thuế, phải đi vay vốn NH để hoạt động và rơi vào tình cảnh vừa là con nợ, vừa là chủ nợ.
Giải quyết được khâu hoàn thuế sẽ giải phóng vốn cho rất nhiều DN. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra dày đặc đang làm tốn thời gian, tiền bạc và hao mòn niềm tin của cộng đồng DN...
Chi phí không chính thức chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong hoạt động của các DN, vì vậy phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư để giảm chi phí này bên cạnh việc kéo giảm các chi phí chính thức. Có như vậy mới tăng cường sức cạnh tranh cho cộng đồng DN chứ không chỉ trông chờ tất cả vào chuyện giảm lãi suất mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.