Như Thanh Niên thông tin, chiều 16.5, ông T.K.V (32 tuổi, ngụ khu dân cư xóm Huế, phía sau Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu) là người bán hàng rong (trà đường, cà phê...) đang từ nhà đi ngang qua khu cách ly điều trị Covid-19 tại Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu thì ông H.H.T (33 tuổi, quê Hải Dương, bệnh nhân Covid-19) đứng trong khu điều trị mở cửa sổ gọi ông V. bán cho 1 ly trà đường.
Ông V. tiến lại gần, đứng phía bên ngoài bán cho ông T. 1 ly trà đường (cả 2 đều mang khẩu trang). Sau đó, ông T. nhờ ông V. mua 1 gói thuốc. Ông V. đến chỗ bà M. mua thuốc lá rồi mang vào đưa cho ông T.
Ông T. tiếp tục nhờ mua thêm 4 gói thuốc nữa nhưng ông V. không mua mà về nhà kêu con gái là cháu T.N.Y (9 tuổi) đạp xe đến chỗ bà M. để mua. Mua xong, Y. quay về đưa cho ông V. và ông này tới khu cách ly đưa thuốc lá cho ông T.
Sau khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, về nhà ông V. tiếp xúc gần vợ, con; nhậu với người hàng xóm. Lực lượng chức năng đã đưa 4 người, gồm: gia đình ông V. và ông T.B.H (50 tuổi, ở P.3, TP.Bạc Liêu) vào khu cách ly tập trung; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.
Một trường hợp khác là ông H.H.T (52 tuổi, ngụ P.1, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) từ Campuchia về Việt Nam, không qua trạm kiểm soát và không khai báo y tế. Sau khi về tới Vị Thanh ông T. có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, ho nên đến cơ sở y tế khám. Qua rà soát đã có hàng chục người từng tiếp xúc với ông T.
Quá chủ quan
Những thông tin trên khiến bạn đọc (BĐ) lo lắng. "Đã gọi là khu cách ly mà để người bán hàng rong ra vào dễ dàng và nhiều lần thì có còn được gọi là "cách ly"? Lỗi không phải của người bán hàng rong, mà là lỗi của những người quản lý khu cách ly", BĐ Thái Long ý kiến.
"Cách ly kiểu gì mà người nhiễm bên trong tiếp xúc bên ngoài quá dễ dàng, mặt khác ý thức người dân xung quanh bệnh viện chưa được chính quyền tuyên truyền cho hiểu biết về dịch bệnh. Quá chủ quan!", BĐ Thống Tô Nhất bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Lạc Lối ý kiến: "Tôi không còn gì để nói, ý thức kém với cộng đồng thế là cùng, nếu bệnh lây lan nghiêm trọng coi như công sức chống dịch của nước ta bao nhiêu ngày đổ sông đổ biển vì một vài cá nhân".
Tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo), đến sáng 22.5, đã 36 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ban chỉ đạo đánh giá, sau hơn 1 tháng, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong nước đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan.
"Dịch bệnh tạm lắng, nhiều người có tư tưởng chủ quan, tạm "nghỉ xả hơi" mà quên thực hiện các nguyên tắc phòng dịch Covid-19, điều này hết sức nguy hiểm. Nên nhớ chúng ta mới kiểm soát tốt chứ chưa chiến thắng dịch bệnh 100%. Vì vậy tuyệt đối không được có tâm lý buông lỏng, lơ là, mất cảnh giác", BĐ Nhất Trung ý kiến.
"Dịch bệnh vẫn có thể xâm nhập vào nước ta qua những người nhập cảnh, qua cửa khẩu, qua đường mòn lối mở..., vì vậy nếu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác thì dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào", BĐ Hồng Đức ý kiến.
Bên cạnh việc kêu gọi người dân nâng cao ý thức, cảnh giác thì nhiều BĐ cũng cho rằng phải có chế tài mạnh với các trường hợp vi phạm. "Hãy xử phạt thật nghiêm khắc với những người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh", BĐ Văn Bảo ý kiến.
Bình luận (0)