Không chùn bước

20/12/2012 04:00 GMT+7

Không chỉ là những kỳ thủ đáng nể trong làng cờ vua của người khiếm thị, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Mạnh Hùng (29 tuổi) và Đào Thị Lệ Xuân (27 tuổi) còn là tấm gương về ý chí nỗ lực vượt bậc.

Duyên đến từ… bàn cờ

Từ năm 3 tuổi, Lệ Xuân bị mù hẳn bởi chứng bong võng mạc. Căn bệnh lao màng não cũng cướp mất ánh sáng trên đôi mắt Mạnh Hùng từ năm Hùng 11 tuổi. Nhưng nghịch cảnh không khiến chàng trai, cô gái giàu nghị lực này gục ngã. Từ Bắc Giang, Xuân vào TP.HCM học tập và lập nghiệp. Còn tại TP.HCM, Hùng cũng khổ luyện kiến thức.

Đôi bạn trẻ bắt đầu quen nhau khi họ tham gia nhóm “Ngôi sao dẫn đường” dành cho sinh viên khiếm thị. Lúc đó, Hùng đã là một kỳ thủ cờ vua nổi bật. Anh rủ Xuân cùng một số bạn nữ tập chơi cờ vua. Tình bạn chuyển thành tình yêu lúc nào không hay. Đến năm 2011, hai người kết hôn. Hùng bộc bạch: “Nhiều người thắc mắc vì sao tôi không cưới một cô sáng mắt để họ lo cho mình mà lại đi cưới một người cũng bị mù. Thực ra, tôi luôn tâm niệm, dù vợ mình có khuyết tật hay không, tôi vẫn là trụ cột gia đình”. Hùng cho biết, có hai điều khiến anh quyết định xây dựng tổ ấm với Xuân, đó là khả năng tự lập rất cao và sự thông minh của cô ấy. Đặc biệt, mỗi lần gặp chuyện gì rắc rối, anh trao đổi với Xuân và cô ấy thường hiến kế bằng những ý tưởng độc đáo. Thi thoảng, hai người cũng có tranh cãi, song gút lại vấn đề thường theo hướng tốt đẹp và tích cực hơn.

Càng khó càng phải học

Sau khi tốt nghiệp khoa Tâm lý học, Trường ĐH Văn Hiến, Mạnh Hùng trở thành chuyên viên tư vấn tâm lý của Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng. Một năm sau, anh được tuyển thẳng vào chương trình cao học ngành tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hùng cho biết, nếu tìm được học bổng, anh không ngần ngại đi du học lấy bằng tiến sĩ.

Lệ Xuân cũng ham học không kém. Vừa học xong tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (khoa Ngữ văn), Xuân đã dự tuyển văn bằng 2 chính quy khoa Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Đầu năm nay, ngay sau khi sinh con mới tròn 1 tháng, Xuân đã cố gắng đi thi cuối kỳ rồi mới xin bảo lưu kết quả.


Mạnh Hùng (phải) chiến thắng một kỳ thủ sáng mắt - Ảnh: Như Lịch 

 
Lệ Xuân (trái) trong một giải đấu cờ vua 

Một trong những điều đôi vợ chồng này trăn trở chính là vấn đề tìm việc rất khó khăn của người khiếm thị. Anh Hùng cho hay nhiều người bạn của anh trình độ ĐH, CĐ phải làm trái ngành và mức lương rất thấp. Ngay với Lệ Xuân, chị cũng kiếm việc trần ai. Xuân kể, sau khi tốt nghiệp sư phạm, chị nộp hồ sơ xin dạy học. Ngành giáo dục tiếp nhận hồ sơ, bảo Xuân chờ đến khi nào… xây xong một cơ sở từ thiện sẽ kêu vào làm việc. Thế nhưng, đã hơn 2 năm trôi qua, chẳng thấy ai hồi âm. “Chúng tôi mong muốn xã hội công nhận giá trị lao động thực sự của người khiếm thị”, anh Hùng tâm tư. Theo Mạnh Hùng, để phát triển giá trị bản thân, người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng cần gạt bỏ mặc cảm để tự tin vào chính mình. Nhưng để tự tin, họ phải tạo nền tảng kiến thức vững vàng cho bản thân. Còn Xuân, cô chỉ đúc kết ngắn gọn qua hai từ: bản lĩnh và năng lực.

Đôi vợ chồng này có chung quan niệm: “Càng khó xin việc thì càng phải học. Vì có nhiều kiến thức, kỹ năng, càng có cơ hội đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng”. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý: “Người khiếm thị phải có sự định hướng, chọn lọc những gì cần thiết để học”.

Lệ Xuân mong muốn sau này làm nghề biên phiên dịch, để có điều kiện sử dụng cả hai ngành đã học: ngữ văn và tiếng Anh. Còn Mạnh Hùng luôn ấp ủ dự định mở phòng tham vấn cho người khuyết tật, đồng thời theo công việc giảng dạy. Hùng cho rằng, anh đã may mắn chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp là lĩnh vực tâm lý. Bởi ngành này vừa giúp Hùng hiểu về bản thân vừa có thể nắm bắt những khó khăn về mặt tâm lý cho người khiếm thị, từ đó có những hỗ trợ kịp thời cho họ.

m thầm và say mê học hỏi, làm việc, cống hiến…, tất cả những gì cặp vợ chồng này hướng đến là cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình cũng như của những người mù nói chung. Họ tin đứa con của mình sẽ không mặc cảm vì có cha mẹ là người mù mà ngược lại, sẽ thấy kính trọng và tự hào hơn. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên khi họ đặt tên cho con gái đầu lòng là Nguyễn Minh Ngân Hà. Dải ngân hà phát tỏa ánh sáng rực rỡ của những vì tinh tú - như là miền hội tụ khát khao và hy vọng của người khiếm thị.

Sách “Nhập môn cờ vua cho người khiếm thị”

Tháng 11 vừa rồi, hai vợ chồng đều đạt thành tích cao ở Giải cờ vua dành cho người mù diễn ra tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Mạnh Hùng đoạt giải đặc biệt khi thắng một kỳ thủ sáng mắt dày dạn kinh nghiệm, còn Lệ Xuân giành giải ba đội cờ vua nữ.

Trước đó, họ đã có bộ sưu tập khá đầy đủ các loại huy chương trong những kỳ thi cờ vua. Đáng nói hơn, Mạnh Hùng còn là tác giả cuốn sách Nhập môn cờ vua cho người khiếm thị. Với cách thể hiện đơn giản và dễ hiểu,cuốn sách đang được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức (chữ nổi, sách nói, hình vẽ…) cho người mù lẫn người sáng mắt. Không những thế, Hùng còn thiết kế những bộ cờ vua, cờ tướng với đặc điểm nhận dạng dành riêng cho người khiếm thị.

Như Lịch

>> Một người khiếm thị tặng gần 2,6 tỉ đồng cho sinh viên mù
>> Điện thoại cho người khiếm thị
>> Nhẫn dẫn đường cho người khiếm thị
>> Nhẫn cho người khiếm thị
>> Niềm hy vọng mới cho người khiếm thị
>> Giúp người khiếm thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.