Trong thời gian qua, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động phi pháp tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có phê duyệt thành lập Đài phát thanh và truyền hình Tam Sa, Đài truyền hình vệ tinh Tam Sa cũng như tờ Nhật báo Tam Sa. Tờ Nhân Dân nhật báo ngang ngược viết rằng các cơ quan truyền thông trái phép này sẽ phục vụ nhu cầu thông tin của cư dân và binh lính đóng tại cái gọi là “TP.Tam Sa”, vốn do Trung Quốc tự thành lập để “quản lý” 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cử tàu hải giám tuần tra phi pháp tại khu vực Hoàng Sa, ngang ngược xua đuổi 2 tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 96417 TS và QNg 96382 TS đang hoạt động bình thường và hợp pháp tại khu vực này. Mới đây nhất là cử tàu khảo sát Nam Phong đến điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển Trường Sa.
|
Trước những hành động trên, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam ngày 19.3 nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “TP.Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam”.
Cũng trong ngày 19.3, Hoàn Cầu thời báo dẫn lời thiếu tướng Doãn Trác, Chủ nhiệm Hội Chuyên gia tin tức hải quân Trung Quốc, ngang nhiên đề xuất Bắc Kinh cần xây gấp cơ sở hạ tầng, như cầu cảng và sân bay, thậm chí “duy trì hiện diện quân sự” để gánh vác “trách nhiệm cứu hộ” bên trong bản đồ “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Theo ông Doãn, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã phân các vùng biển thế giới thành 13 khu vực tìm kiếm và cứu hộ, trong đó Trung Quốc “đảm nhiệm công tác” tại biển Đông. Tuyên bố lập lờ này hàm ý như cho rằng Trung Quốc được “độc quyền” về công tác cứu hộ tại đây. Từ đó, Hoàn Cầu thời báo kết luận rằng “dù Trung Quốc có xây sân bay và cảng biển tại biển Đông thì các nước khác cũng không thể kiếm cớ gây chuyện”.
Thực tế, theo báo cáo của IMO năm 2011, trách nhiệm tìm kiếm cứu hộ trên biển phải được đảm bảo bởi 70 thành viên, có cả Việt Nam, cùng các thành viên liên kết trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm chủ quyền của nhau và hợp tác, phối hợp tại các vùng chồng lấn chứ không có chuyện Trung Quốc được trao quyền và trách nhiệm một mình “bảo đảm an toàn, cứu hộ” cho khu vực này.
Ng.Phong - Thụy Miên
>> Tàu Trung Quốc ngang ngược “đuổi” tàu Việt Nam ở Hoàng Sa
>> Tàu Trung Quốc giả tàu cá để chở dầu lậu
>> Tàu Trung Quốc lại tuần tra biển Đông
>> Nhật phản đối tàu Trung Quốc đến Senkaku/Điếu Ngư
>> Sẽ công bố chứng cứ vụ tàu Trung Quốc nhắm ra-đa vào tàu chiến Nhật
Bình luận (0)