Không có gì gọi là 'phép lạ tăng trưởng'

16/08/2016 15:01 GMT+7

Một trong những sự thật ít được ca ngợi trong kinh tế học là “phép lạ tăng trưởng”. Theo cây bút của hãng tin Bloomberg thì dù đây là cụm từ có thể tạo ra bài báo hay, nó đã được đánh giá quá cao.

Theo nhà báo kiêm giáo sư kinh tế Tyler Cowen, người góp bài cho mục Bloomberg View, góc nhìn về phép lạ tăng trưởng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về triển vọng của những nước đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc.
Hầu hết các nước giàu nhất, được quản lý, lèo lái tốt nhất thế giới leo lên vị trí hiện tại mà không cần các đợt bùng nổ tăng trưởng. Đan Mạch, nơi có thu nhập bình quân đầu người 52.000 USD và thường xuyên được xếp vào hàng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, chưa từng trải qua điều mà nhiều người gọi là “phép màu kinh tế”. Nếu bạn nhập từ khóa này vào Google, chủ đề chính xuất hiện sẽ là một nghiên cứu, chỉ ra chi tiết cách Đan Mạch giảm tỷ lệ thất nghiệp mà không cần bỏ bớt phúc lợi xã hội hồi thập niên 1990.
Ghi nhận nền kinh tế tổng thể Đan Mạch không có gì đặc sắc. Từ năm 1890 đến 1916, quốc gia châu Âu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người 1,9%/năm. Nếu năm 1916 bạn dự báo tốc độ trên duy trì 100 năm nữa, con số nhận được chỉ thấp đi khoảng 200 USD. Theo nghiên cứu mới đây của chuyên gia Lant Pritchett và Lawrence Summers, Đan Mạch có tăng trưởng dương trong 84% thời gian trên và không có cuộc suy thoái sâu nào.
Đan Mạch Reuters
Bạn có thể nhìn vào nền kinh tế Mỹ, nơi mà thu nhập bình quân đầu người vượt Mỹ La tinh trong thế kỷ thứ 19. Tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ vào thời điểm đó thường dưới 2%, thậm chí thấp hơn thời kỳ thập niên 1860. Con số này khó lòng gây ấn tượng nếu xét theo chuẩn tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ ngày nay. Lợi thế lớn của Mỹ là họ tránh được các thảm họa, ngoài cuộc Nội chiến, trong thời gian dài và tiến về phía trước với tốc độ đi lên ổn định.
Thời Nam Mỹ trì trệ vào thế kỷ 19, khu vực này lãng phí thời gian quý báu, để cơ sở hạ tầng yếu, hệ thống giáo dục nghèo nàn và chính trị bất ổn tồn tại ở nhiều vùng. Tất cả những yếu tố trên khiến việc nhanh chóng bắt kịp trở nên khó khăn hơn trong thế kỷ 20.
Tăng trưởng chậm không có nghĩa là Đan Mạch và Mỹ thất bại vào thế kỷ 19. Thật khó để các nền kinh tế đang ở hoặc đứng cận biên giới công nghệ nhanh chóng cải thiện mức sống, vì phát minh công nghệ thì thường chậm hơn so với việc đuổi kịp bằng cách vay mượn công nghệ từ nước khác. Vay mượn bí quyết, kết hợp với xuất khẩu, đầu tư nhanh chóng vào giáo dục và cơ sở hạ tầng là cách giúp những con hổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 8% đến 10% mỗi năm.
Nhật Bản Reuters
Nếu bạn là nhà đầu tư, trải nghiệm từ Đan Mạch và từ các câu chuyện tăng trưởng “không kịch tính” khác sẽ đem đến cho bạn vài gợi ý về tương lai các nền kinh tế đang phát triển. Mô hình tăng trưởng của Đông Á thuộc về lịch sử. Chậm và đều có thể là lựa chọn duy nhất còn lại. Vì nhiều lý do, chỉ vài quốc gia có thể mở rộng mức thành công giáo dục của họ nhanh chóng như các con hổ Đông Á. Tăng trưởng thương mại, số liệu vượt qua tăng trưởng sản lượng tổng thể hồi cuối thế kỷ 20, giờ đây có vẻ đang trì trê. Nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu hiện tự động hóa, vì thế không tạo ra nhiều việc làm cho tầng lớp trung lưu như trước kia.
Nói cách khác, thế giới hiện tại có thể giống thế kỷ 19 hơn vài thập niên qua. Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng khá thấp và ổn định được đánh giá cao, có ít “sự đột biến” và có thời gian để đầu tư vào chất lượng cơ quan, tổ chức. Nền dân chủ Mỹ được cho là hoạt động tốt hơn vào đầu thế kỷ 20 so với thời Tổng thống Andrew Jackson, và đây là lý do giúp Mỹ đối phó với các cuộc khủng hoảng sau đó.
Cũng vào thế kỷ 19, vài nước như Ấn Độ, Trung Quốc thực tế không bắt kịp. Nền kinh tế của họ từng thực sự sụt giảm trong thời gian kéo dài liên tục. Họ đã không gặp may, theo đuổi chính sách sai lầm và chịu đựng sự áp bức của thực dân, đế quốc. Ách cai trị nước ngoài thường quan tâm đến việc kiểm soát nhiều hơn là sản xuất hàng hóa đại trà cho người dân.
Với thế hệ kế tiếp, các nền kinh tế mới nổi có thể quay lại các mô hình của thế kỷ 19. Họ phải học cách xây dựng từ từ và đều đặn, hoặc phải chịu cảnh rơi vào tình huống đảo ngược.

tin liên quan

Robot sẽ ‘tàn phá’ các nước đang phát triển
Bằng cách này hay cách khác, sự phát triển của robot vẫn đang đến. Những nước đang phát triển là các quốc gia ít chuẩn bị nhất, và cũng có nhiều thứ để mất nhất trước sự thay đổi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.