Không có giới hạn cho tài năng Việt Nam

17/08/2013 03:00 GMT+7

Hôm nay 17.8, Hội nghị " Gặp gỡ Việt Nam lần 9 ” kết thúc với thành quả quý giá cho khoa học Việt Nam: niềm hứng khởi cho người trẻ và bài học trọng dụng người tài.

Mùa hè năm 1985, Giáo sư Marek Karliner (Đại học Tel-Aviv, Israel), khi đó còn là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ, đến tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp tại một trong những đại học danh giá nhất nước này. Tại đây, ông chứng kiến cô sinh viên thủ khoa của trường là người Việt Nam và cô chỉ mới sang Mỹ 10 năm nhưng thành tích đạt được đủ khiến GS Karliner cùng tất cả những người có mặt lúc đó phải “cực kỳ ấn tượng”.

GS Karliner nói với Thanh Niên: “Là một cô gái khi mới sang Mỹ không biết một chữ tiếng Anh, là một người nước ngoài tại một trong những trường hàng đầu của Mỹ, vậy mà cô gái đó đã vượt qua tất cả. Kể từ đó, tôi nhận ra, với tính cách sẵn có, chỉ cần có điều kiện thuận lợi, tài năng Việt Nam có thể vượt qua mọi nghiệt cảnh ngặt nghèo nhất để khẳng định mình. Không có giới hạn đối với những gì người Việt Nam có thể làm”. 

 Không có giới hạn cho tài năng Việt Nam
Giáo sư Trần Thanh Vân (giữa) và các nhà vật lý quốc tế tại Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần 9  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đừng tiếc với người tài

28 năm sau, đến Việt Nam tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam (GGVN)”, GS Karliner khẳng định niềm tin trên của ông vẫn không hề thay đổi. GS Karliner nhắc đến việc thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về toán và bổ nhiệm GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học như một bước đi đánh dấu bước ngoặt của Việt Nam trong việc trọng dụng người tài. Ông nói: “Việc mời được GS Châu về làm việc dĩ nhiên là có tác dụng truyền cảm hứng và thu hút những người tài khác trong ngành. Nhưng cái quan trọng không kém theo tôi là những động thái tương tự sẽ giúp người tài không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái và sáng tạo, khi sẽ được làm việc trong một môi trường cởi mở, không bị trì trệ, ảnh hưởng đến sự phát triển khoa học Việt Nam”.

GS Karliner kết luận: “Đừng tiếc gì với người tài. Tài năng đặc biệt bao nhiêu thì càng phải được đối xử đặc biệt bấy nhiêu. Trung Quốc đã và đang kêu gọi nhân tài của mình về làm việc trong nước bằng cách trả cho các nhà khoa học đó thu nhập còn cao hơn mức họ lãnh bên Mỹ. Ngay cả khi nếu các nhà khoa học Việt Nam ở hải ngoại chịu về nước làm việc và không đặt nặng vấn đề tiền bạc, nhưng không bà vợ nào sẽ yên tâm để ông chồng mình làm việc trong một môi trường mà lương bổng chưa đủ nuôi gia đình”. 

 

Cần có nguồn kinh phí nhất định trong vấn đề hợp tác khoa học. Anh Vân (GS Trần Thanh Vân - NV) đã bỏ kinh phí để tài trợ cho các nhà khoa học trẻ tham dự Gặp gỡ Việt Nam. Anh đã làm như vậy suốt 20 năm qua và cho tới khi nào nữa?

TS Nguyễn Trọng Hiền

Quan trọng nhất là thành ý

Bên lề hội nghị GGVN lần 9 đã có những cuộc trao đổi và tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu và báo giới về chủ đề làm cách nào mời gọi người tài về nước. Các nhà khoa học đều đồng ý về tầm quan trọng của chế độ đãi ngộ, nhưng cũng cho rằng điều quan trọng nhất chính là thành ý trọng dụng người tài bằng việc tạo ra những điều kiện và cơ chế thuận lợi nhất, mà nói như GS Karliner là: “Họ cần được trân trọng dựa trên những thành quả mình làm ra, chứ không phải là có thâm niên bao lâu ngồi trong viện này viện nọ”.

Trong lần về nước lần đầu tiên để tham dự GGVN cách đây đúng 20 năm và có cơ hội giao lưu với các bạn sinh viên khi đó, cái cảm giác đọng lại đối với tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, hiện đang làm việc tại Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), không gì khác ngoài một sự áy náy khôn nguôi. TS Hiền nói với Thanh Niên:  “Nói hươu nói vượn rồi đi, trong khi mấy em ở nhà thì không có gì để thực hành cả. Những hội nghị như thế này không phải nhằm tạo ra một bước nhảy vọt thần kỳ nào, mà là để duy trì tiếng nói: Cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ”.

GGVN vinh dự đón tiếp những tên tuổi hàng đầu thế giới, trong đó có cả những nhà khoa học đoạt giải Nobel. Nhưng sẽ là thiếu sót vô cùng nghiêm trọng nếu cứ mãi tập trung sự chú ý vào những tên tuổi quốc tế mà quên mất sự có mặt của những cái tên Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn liên tục được nhắc đến trong những mẩu chuyện bên lề của các đại biểu quốc tế. Đó còn là TS Nguyễn Trọng Hiền, GS Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Mỹ)... và đặc biệt là GS Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp, người khởi xướng và là chủ tịch các hội nghị GGVN từ 1993 đến nay).

Thế nhưng sau khi GGVN lần 9 kết thúc, vẫn còn đó những câu hỏi chưa tìm được lời đáp. “Cần có nguồn kinh phí nhất định trong vấn đề hợp tác khoa học. Anh Vân (GS Trần Thanh Vân - NV) đã bỏ kinh phí để tài trợ cho các nhà khoa học trẻ tham dự GGVN. Anh đã làm như vậy suốt 20 năm qua và cho tới khi nào nữa?” - TS Nguyễn Trọng Hiền nói. “Giới khoa học chúng tôi luôn rất cần sự thông thoáng trong vấn đề quản lý. Có thể nói nhiệm vụ của giới khoa học trước tiên và sau cùng vẫn là nghiên cứu và giáo dục khoa học. Họ không có một động cơ nào khác hơn”.

An Điền

>> Hãy làm cho người tài tin và phục
>> 
Đừng vội 'hái quả' từ đầu tư khoa học
>> Giáo sư đoạt giải Nobel chủ trì hội nghị vật lý nano tại Bình Định
>> Nhà khoa học đoạt giải Nobel chủ trì Hội nghị vật lý nano
>> Nhà vật lý đoạt giải Nobel Klaus von Klitzing đến Bình Định
>> Nhà khoa học đoạt giải Nobel đầu tiên đến ‘Gặp gỡ Việt Nam’
>> Chủ nhân giải Nobel Y học năm 1965 từ trần
>> EU đau đầu vì Nobel Hòa bình 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.