Không có Joseph Schooling vì sao bơi Singapore vẫn thống trị tuyệt đối SEA Games 32?

Giang Lao
Giang Lao
11/05/2023 15:02 GMT+7

Đội tuyển bơi lội Singapore đang thống trị đường đua xanh ở SEA Games 32 khi trước ngày thi đấu cuối 11.5, họ đang có đến 19 HCV bỏ xa đội tuyển bơi Việt Nam xếp thứ 2 giành được 6 HCV.

Thành tích tuyệt đối của đội tuyển bơi lội Singapore tại SEA Games 32 một lần nữa lặp lại thành tích cách đây 1 năm ở SEA Games 31 Hà Nội, khi các kình ngư của Đảo quốc sư tử cũng thắng áp đảo đội bơi Việt Nam với thành tích 21 HCV so với 11 HCV.

Không có Joseph Schooling vì sao bơi Singapore vẫn thống trị tuyệt đối SEA Games 32? - Ảnh 1.

Nữ kình ngư Letitia Sim mới 19 tuổi của Singapore

The Straits Times

Tại SEA Games 31, đội tuyển bơi lội Singapore có sự góp mặt của "Siêu kình ngư" nổi tiếng Joseph Schooling, nhưng khi đó anh chỉ đóng góp 2 HCV so với thành tích của chính mình là giành 4 HCV tại Philippines năm 2019 và 6 HCV tại Kuala Lumpur 2017. Điều này cho thấy qua mỗi kỳ SEA Games, phong độ của Joseph Schooling dần đi xuống kể từ chiến tích lịch sử ở Olympic 2016 (đoạt HCV nội dung sở trường 100 m bướm).

"Chúng ta trải qua 2 kỳ Olympic gần đây, nhưng chỉ có 1 kỳ thành công (2016). Hơn nữa, thời gian này bơi lội Singapore cũng chỉ có 3 VĐV có thể tiệm cận ở các cuộc tranh tài ở thế vận hội (Joseph Schooling, Quah Zheng Wen và Quah Ting Wen). Do đó, những gì chúng tôi muốn là cần tạo ra một thế hệ VĐV mới cho bơi lội cho Singapore ngày càng nhiều hơn để có thể cạnh tranh ở các giải đẳng cấp thế giới", ông Gary Tan, HLV trưởng đội tuyển bơi lội Singapore, nói trên tờ The Straits Times.

Không có Joseph Schooling vì sao bơi Singapore vẫn thống trị tuyệt đối SEA Games 32? - Ảnh 2.

Schooling là kình ngư nổi tiếng nhất của Singapore từng đoạt HCV Olympic

AFP

Kể từ năm 2022, ngay sau SEA Games 31 ở Việt Nam, đội tuyển bơi lội Singapore đã sớm có những chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia. "Mục tiêu của chúng tôi là tận dụng mọi cơ hội có được tại các đại hội thể thao khu vực, giúp các VĐV trẻ có thêm cơ hội thi đấu và đạt thành tích để có thể vượt qua vòng loại vào năm 2024 dự Olympic Paris. Đến nay, có thể nói là thành công. Nhưng chúng tôi cần nỗ lực hơn và tận dụng mọi cơ hội để thể hiện sự tiến bộ của mình", ông Gary Tan chia sẻ.

Chàng trai vàng Trần Hưng Nguyên: Từ cậu bé thôn quê đến kỷ lục gia SEA Games

Tại SEA Games 32, bơi lội Singapore với các gương mặt trẻ như các nam kình ngư Jonathan Tan (21 tuổi), Mikkel Lee (20 tuổi) hay ở nữ là Letitia Sim (20 tuổi), Quah Jing Wen (22 tuổi), Gan Ching Hwee và Letitia Sim (cùng 19 tuổi)… đang thay thế xứng đáng vai trò của Joseph Schooling để lại, giúp đội bơi Đảo quốc sư tử tiếp tục thống trị. Bên cạnh đó, các VĐV kỳ cựu như Quah Zheng Wen, Quah Ting Wen vẫn còn đóng góp vai trò nhất định.

Không có Joseph Schooling vì sao bơi Singapore vẫn thống trị tuyệt đối SEA Games 32? - Ảnh 3.

Kình ngư Mikkel Lee (20 tuổi) của Singapore

The Straits Times

Ngoài thống trị đấu trường SEA Games, bơi lội Singapore đang có những đầu tư trọng điểm để hướng tới các giải như vô địch thế giới, ASIAD 19 và vòng loại Olympic 2024. "Bơi lội Singapore cần có thêm nhiều VĐV đạt thành tích chuẩn A và nằm trong tốp 16 châu Á. Thành công tại SEA Games chỉ là một phần trong quá trình, đó là bước tiến đầu tiên, chúng tôi cần cải thiện hơn nữa thành tích thi đấu để đạt mục đích là đấu trường Olympic", ông Gary Tan cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.