Đó là chủ trương, quyết định của Chính phủ được Bộ Tài chính khẳng định trong buổi họp báo chuyên đề về tình hình cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiều 5.6.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý 1/2015, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 DN. Trong đó, CPH 4.237 DN. Tuy nhiên, tốc độ CPH được đánh giá vẫn còn khá chậm. Cụ thể, năm 2011 chỉ CPH 12 DN, năm 2012 được thêm 1 DN. Tốc độ 2013 - 2014 có khá hơn, nhưng cũng chỉ được 74 DN trong năm 2013 và năm 2014 CPH 143 DN.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, cả nước CPH được thêm 43 DN. Từ nay đến cuối năm phải CPH xong 246 DN nữa là thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà không làm quyết liệt bởi theo ông Tiến, Chính phủ đã ban hành Quyết định 51, nếu DN nào thuộc lĩnh vực nhà nước không nắm giữ CP chi phối thì phải CPH, bán vốn, sắp xếp lại, nếu không hoàn thành sẽ cho phá sản, giải thể. Đối với trách nhiệm của từng bộ, ngành là chủ sở hữu và đại diện vốn nhà nước tại DN, cũng như lãnh đạo DN đó, quá trình CPH ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm.
Trước mắt, theo ông Tiến, quy định buộc DN sau 90 ngày CPH phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Bộ Tài chính đã gửi công văn tới các bộ, ngành, UBND tỉnh đến hết tháng 6.2015 phải có báo cáo giải thích về nguyên nhân vì sao không lên sàn. “Đầu quý 3/2015 chúng tôi sẽ công bố đích danh DN nào không chịu lên sàn sau khi đã CPH”, ông Tiến khẳng định.
Báo cáo thêm về tình hình thoái vốn ngoài ngành, Bộ Tài chính cho biết đến hết quý 1/2015 các tập đoàn, tổng công ty đã thoái khoảng 8.213 tỉ đồng và số thu về là 8.599 tỉ đồng. Tuy nhiên, số còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 rất lớn, trên 19.517 tỉ đồng. Trong đó, riêng khoản đầu tư vào bất động sản và ngân hàng đã chiếm 12.000 tỉ đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tin cho biết, hiện cả nước có trên 2,3 triệu người làm việc tại 33.000 đơn vị, trong đó có 80% biên chế thuộc khối cơ quan hành chính sự nghiệp, chiếm 80% quỹ lương. Việc giao cơ chế tự chủ nhằm giảm tải ngân sách nhà nước, tính đúng tính đủ theo cơ chế thị trường để người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn.
Bình luận (0)