Không có quy định về đào tạo dự thính

30/08/2010 10:20 GMT+7

(TNO) Sau phản ánh của Thanh Niên Online về sự việc sinh viên (SV) học 4 năm đại học (ĐH) mới biết mình… dự thính (26.8), Tiến sĩ Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận sự việc, đồng thời yêu cầu nhà trường kiểm tra làm rõ để có giải trình lên Bộ. >> Sinh viên chính quy hay dự thính?

"Bộ GD-ĐT không có quy định nào về đào tạo dự thính. Tôi chưa từng nghe nói và cho phép hệ đào tạo này ở trường ĐH nào cả. Nhà trường căn cứ vào điều gì để đào tạo dự thính, mục đích và bằng cấp sẽ như thế nào? Những điều đó phải rõ ràng vì liên quan đến quyền lợi người học. Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu trường kiểm tra làm rõ về trường hợp báo đã nêu và giải trình vụ việc đào tạo dự thính lên Bộ", bà Hà cho ý kiến.

Trong khi đó, về phía trường ĐH Văn Hiến, PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến, phản hồi: "Lãnh đạo nhà trường không có chủ trương về đào tạo dự thính và cũng không biết có đơn vị, khoa đào tạo như thế. Đến khi sự việc được phản ánh lên báo, tôi mới biết có trường hợp này ở khoa Du lịch. Ban giám hiệu sẽ nhanh chóng kiểm tra làm rõ sự việc".

Mặc dù ông Hùng nói rằng nhà trường không có chủ trương về đào tạo dự thính nhưng ngay trong Quy chế học vụ trường ĐH dân lập Văn Hiến (2003) đã có quy định rất rõ ràng, cụ thể về SV dự thính, đối tượng, nghĩa vụ và quyền lợi của SV dự thính…

Trong những lần trao đổi trước đó khi Thanh Niên Online tìm hiểu sự việc, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường, cũng khẳng định: Không thông báo rộng rãi nhưng trường có đào tạo dự thính từ năm 2003 để đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều người. Người học dự thính có thể đăng ký học từng học phần mà mình có nhu cầu bổ sung kiến thức hoặc đăng ký học toàn phần, như chương trình đào tạo của SV chính quy.

Ông Hợp cho biết hiện nay, khoa Tâm lý vẫn có vài trường hợp dự thính. Số lượng học dự thính không nhiều nên có thể trường quản lý không chặt chẽ và cũng không yêu cầu khắt khe về hồ sơ đầu vào. Còn việc dạy dự thính không có trong quy chế có nghĩa là Bộ không cấm.

"Có thể một số đối tượng lợi dụng dạng đào tạo dự thính của trường cùng với nhu cầu muốn vào ĐH bằng mọi cách của người học mà dẫn đến tiêu cực. SV vào trường biết rõ mình không đủ điểm và thông qua môi giới trung gian. Sau đó, trong quá trình học, khi có mắc mớ gì, SV đều không trực tiếp hỏi trường hay làm việc với phòng Quản lý đào tạo mà đều nhờ người trung gian này. Chính vì thế, SV không hề hay biết mình chỉ vào trường ở dạng dự thính", thầy Hợp giải thích sự việc.

Thầy Hợp khẳng định: "Trường hợp này có vấn đề, còn vấn đề ra sao, liên quan đến ai. Chúng tôi sẽ kiểm tra, làm rõ".

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.