Không có vùng cấm

04/05/2017 06:40 GMT+7

Xử lý nghiêm cán bộ cấp cao, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, là bước tiến dân chủ mạnh mẽ của Đảng và qua đó người dân vững tin vào sự nghiêm minh, vào quyết tâm chống tham nhũng, không để vùng cấm quyền lực chi phối trong nội bộ Đảng.

Trong lịch sử, Đảng đã tiến hành kỷ luật một số lãnh đạo cấp cao, kể cả các ủy viên Bộ Chính trị. Lần này, việc kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư được công khai trên các phương tiện truyền thông, nêu rất chi tiết, rõ ràng vi phạm, khuyết điểm đã cho thấy sự minh bạch trong các quyết định của Đảng. Theo các quy định trong điều lệ Đảng, trường hợp một ủy viên Bộ Chính trị có những vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì thẩm quyền quyết định thuộc về Ban Chấp hành T.Ư. Bộ Chính trị họp rồi bỏ phiếu mức kỷ luật, sau đó trình ra Ban Chấp hành T.Ư để Ban Chấp hành T.Ư xem xét, quyết định bằng phiếu kín.
Khi xử thì án tại hồ sơ, còn trong Đảng thì phải theo kết quả thẩm tra, xác minh nghiêm túc và cẩn trọng, không để oan sai cũng như không để lọt tội. Chúng ta phải đặt niềm tin và phải hiểu có những điều cần thực hiện từng bước một vì cần có quá trình thẩm tra, xác minh và cả về quá trình nhận thức. Trước mắt, về nội bộ Đảng sẽ xử lý rốt ráo theo những quy định của điều lệ Đảng. Sau đó, các cơ quan nhà nước cùng xem xét, trong quá trình xem xét sâu thì ngoài thẩm tra, xác minh, kiểm tra thanh tra rồi thì phải xem xét tiếp mức độ vi phạm pháp luật như thế nào.
Xảy ra những vụ việc theo các kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư tại một số bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là những sai phạm tại Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) là điều không ai mong muốn, sai thì cũng sai rồi nhưng đau xót vì chúng ta mất đi nhiều đảng viên, cán bộ. Trong vụ việc tại PVN, thật đáng buồn khi người được giao trọng trách để xảy ra sai phạm và cũng đáng buồn cơ chế giám sát, mà ở đây là giám sát quyền lực.
Có những người sử dụng quyền lực do ngộ nhận, kém cỏi nhận thức nhưng cũng có người do lộng quyền, lạm quyền. Công tác giám sát và kiểm tra thanh tra nhất thiết phải kịp thời nhằm phát hiện và chấn chỉnh. Trách cá nhân vi phạm thì cũng phải trách cả công tác quản lý cán bộ trong giai đoạn họ vi phạm. Nếu lúc ấy kịp thời kiểm tra giám sát, ngăn chặn thì có lẽ không đến nỗi cán bộ của mình đi vào những sai phạm triền miên như thế. Đặc biệt với những sai phạm trong quản lý về kinh tế, khi sai phạm hiển hiện bằng những số liệu cụ thể và gây tổn thất rất nghiêm trọng cho tài nguyên, tài sản quốc gia.
Qua các vụ việc đã khẳng định chủ trương không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai trong công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng. Dù anh ở cương vị nào khi được giao nếu vi phạm đều phải bị xử lý về kỷ luật Đảng và pháp luật của nhà nước. Thậm chí dù anh đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác khác nhưng ở vị trí cũ mà khi kiểm tra xác định có sai phạm vẫn bị xem xét, xử lý quy trách nhiệm. Điều đó sẽ góp phần giữ vững được niềm tin của người dân vào chế độ, vào kỷ cương của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.