Trước lúc đó, diễn biến phiên tòa đã được dư luận quan tâm dưới nhiều góc độ, cả về lý lẽ lẫn cảm xúc.
Lý lẽ là những cáo buộc chắc chắn và đanh thép của phía công tố, những người được giao trọng trách làm rõ để xử lý nghiêm “giặc nội xâm” với những minh chứng xác đáng; qua đó thể hiện sự kiên quyết và dũng cảm của Đảng ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nạn suy thoái biến chất. Đó là lý lẽ cao độ tại một phiên tòa mà nếu xét về cương vị, chức trách của các bị cáo thì trước nay chưa từng có. Đông đảo dư luận xã hội đã ủng hộ, đồng tình cùng những lý lẽ ấy với niềm tin ngày mỗi trọn vẹn hơn vào chế độ, vào nhà nước pháp quyền.
Cảm xúc về vụ án có nhiều góc độ và cung bậc khác nhau. Xử nghiêm chính những người từng là cán bộ, thậm chí từng ở vị trí cao cấp thì nói sao mà không đau xót vì sự tổn thất của hệ thống chính trị. Dù mất mát cũng phải xử để bảo vệ vững chắc chính những giá trị cả về tinh thần lẫn vật chất to lớn hơn nhiều cho đất nước, cho xã hội. Rồi, những giọt nước mắt cùng lời xin lỗi muộn màng của các bị cáo đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân có thể tạo ra ít nhiều thương cảm. Khi tự bào chữa thì có người đổ lỗi cho cơ chế, cho khách quan; thậm chí do hoàn cảnh, do ép buộc... Thế còn những sai phạm do yếu tố chủ quan thì sao? Tổn thất ngàn tỉ mà họ gây ra ảnh hưởng đến công quỹ, ngân sách, công sức đóng góp của người dân như thế nào? Chưa kể, họ còn món nợ không thể nào trả nổi đối với sự hy sinh của biết bao thế hệ quân dân ta trong việc bảo vệ của cải, tài nguyên cho đất nước.
Thương cảm là một thuộc tính người; nhưng không chỉ có thế, và cứ thế. Nhóm lợi ích đã tự tung tự tác, phù phép để mồ hôi nước mắt của dân bị ăn cắp trắng trợn, bị thất thoát nghiêm trọng, bị lãng phí một cách vô lối; bị biến thành quà tết, thành những túi tiền riêng béo bở. Nếu bình tâm mà suy nghĩ thì việc đo công, định tội có cái lẽ công bằng, công đã từng được ghi, và khi mắc tội thì phải xử. Đối với mỗi người tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ thì sự thương cảm như thế nào, đáng được dành cho ai mới là điều thực sự cần chiêm nghiệm. Đâu đó, cũng không ít những ý kiến thiên lệch, những kiểu tư duy méo mó nhân danh sự thương cảm để bóp méo sự thật, để xuyên tạc hệ thống công lý, lẽ phải mà chính chúng ta đã xây dựng nên và phải bảo vệ cho bằng được.
Không cứ là thương cảm như một trạng thái bình thường trong giới hạn của tình người, dẫu điều đó cũng đáng trân trọng. Nhưng luôn cần những cảm xúc vì những điều lớn lao hơn khi biết rằng đâu là việc có ý nghĩa đối với sự ổn định và phát triển đất nước; khi vững tin và cùng chung tay, chung sức góp phần mình vào tương lai tốt đẹp của dân tộc. Đó chính là cảm xúc của lương tâm và trách nhiệm.
Bình luận (0)