Không đăng ký tạm trú bị phạt thế nào?

Bích Ngân
Bích Ngân
16/02/2023 10:08 GMT+7

Chuyên gia pháp lý cho rằng, trường hợp người dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp từ 30 ngày trở lên mà không đăng ký tạm trú có thể bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Hiện nay rất nhiều người dân chưa nắm rõ quy định về đăng ký tạm trú, sinh sống tại chỗ ở hợp pháp bao lâu thì phải đăng ký tạm trú

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, theo chuyên gia pháp lý, trường hợp người dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp từ 30 ngày trở lên mà không đăng ký tạm trú có thể bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Điều kiện đăng ký tạm trú

Theo quy định tại khoản 9, Điều 2 luật Cư trú 2020, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Hiện nay, Điều 27 luật Cư trú 2020 về điều kiện đăng ký tạm trú quy định, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên, thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Người dân không đăng ký tạm trú bị xử phạt thế nào? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND P.Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM)

BÍCH NGÂN


Người dân đăng ký tạm trú thì ra công an phường, xã, thị trấn để giải quyết thủ tục. 

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Đồng thời, thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu tiền ?

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định luật Cư trú 2020, việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân. Nếu công dân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trong thời hạn quy định (30 ngày kể từ ngày đến sinh sống tại nơi ở mới hợp pháp) thì có thể bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, người nào không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký và quản lý cư trú, trường hợp công dân đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật, có thể bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết thêm, hiện nay Bộ Công an đang quản lý nơi tạm trú, thường trú của người dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trên môi trường internet. Khi người dân đến đăng ký tạm trú hoặc thay đổi các thông tin về cư trú (trong đó có thủ tục đăng ký tạm trú), cơ quan có thẩm quyền sẽ cập nhật dữ liệu lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp giấy xác nhận; đồng thời thu lại sổ tạm trú, sổ hộ khẩu.

"Việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân. Khi đăng ký tạm trú, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính", luật sư Bùi Quốc Tuấn cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.