Trong đợt thi tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Phú Yên có 400 chỉ tiêu bậc ĐH, 600 CĐ và 80 trung cấp. Dù tuyển đủ chỉ tiêu trong gần 2.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng nhiều ngành học tuyển hoài vẫn không có thí sinh vì thế trường phải ngừng đào tạo một số ngành. Ông Trần Lăng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Trường đã quyết định dừng tuyển sinh các ngành: văn học, công nghệ thông tin, Việt Nam học và sư phạm lịch sử vì có rất ít thí sinh đăng ký”.
Tương tự, năm học này, Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ không đào tạo 2 hệ trung cấp nghề và CĐ nghề vì không tuyển sinh được. Bậc CĐ chính quy cũng chỉ tuyển được 1.200 so với 1.500 chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT đã phân bổ. Trường ĐH Xây dựng miền Trung (Phú Yên) được Bộ phân bổ 600 chỉ tiêu bậc ĐH, 900 CĐ và 500 trung cấp. Hiện trường này chỉ mới tuyển được 435 chỉ tiêu bậc ĐH nên phải tiếp tục xét tuyển 210 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, cho biết: “Chúng tôi vẫn phải tuyển đủ các ngành dự kiến đào tạo, trong trường hợp ĐH không đủ thì trường sẽ tuyển thêm CĐ. Chính vì vậy, nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch đào tạo phù hợp với thực tế tuyển sinh. Một số lớp sẽ học chậm hơn so với chương trình khoảng một tuần”.
Trong khi đó, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) có hơn 2.700 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 điểm thi trên điểm sàn nhưng vẫn không trúng tuyển. Nguyên nhân vì Trường ĐH Quy Nhơn nhận được 5.398 hồ sơ đăng ký nhưng chỉ lấy thêm khoảng 1.800 chỉ tiêu cho 22 ngành ĐH và 8 ngành CĐ. Tiến sĩ Lê Xuân Vinh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi đã phát phiếu báo trúng tuyển gọi nhập học tổng cộng 2.675 hồ sơ và dự kiến có khoảng 70 - 75% trong số đó sẽ đăng ký nhập học”.
Giải thích về hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu người học, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng do thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi trễ nên nộp chậm. Còn ông Huỳnh Tấn Khả, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa, lại cho rằng vì hồ sơ ảo hơn 30% nên dù số lượng thí sinh được gọi nhập học rất cao nhưng thực tế vào học lại rất thấp.
Ngược lại, tiến sĩ Lê Xuân Vinh khẳng định nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chất lượng đào tạo, uy tín của các trường ĐH khác nhau. Ngoài ra học phí cũng là một rào cản đối với các trường ĐH ngoài công lập. Ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, do thu nhập thấp nên thí sinh dù có muốn vẫn khó vào học tại các trường ngoài công lập với mức học phí quá cao. “Có nhiều gia đình nông dân ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, chi phí cho con cái ăn học là một vấn đề lớn. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của phụ huynh và thí sinh là những trường ĐH công lập do có học phí thấp hơn nhiều so với trường dân lập”, ông Lê Xuân Vinh nói.
Hoàng Trọng - Đức Huy
Bình luận (0)